Tuyến đường nói trên được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2019, giúp đảm bảo lưu thông cho người và phương tiện giao vận chuyển hàng hóa giao thương giữa nhiều xã, thôn, bản của huyện miền núi Ba Chẽ. Tuy nhiên, từ khi đi vào sử dụng, tuyến đường tránh lũ này luôn đối mặt với nguy cơ bị “cắt đứt” vào mùa mưa, bão.
Mái taluy dương dựng đứng ngay khúc cua tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trên tuyến đường tránh lũ Khe Mười- Tỉnh lộ 329 |
Ba Chẽ là huyện miền núi thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh, do đặc thù địa hình chia cắt núi cao, vực sâu, nhiều sông, suối có độ dốc lớn tiềm ần nhiều nguy cơ vào mùa mưa. Trong khi, hầu hết các trục giao thông chính của huyện được đầu tư từ lâu, khu vực qua sông, suối chủ yếu là ngầm tràn, nên sau mỗi trận mưa lớn, nhiều tuyến đường của huyện Ba Chẽ dễ bị ngập sâu gây chia cắt hoàn toàn nhiều xã, thị trấn. Vì vậy, việc triển khai một số tuyến đường tránh lũ để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn đã được địa phương tính toán, triển khai, như tuyến đường tránh lũ thôn Khe Mười, xã Đồn Đạc đấu nối ra Tỉnh lộ 329 được triển khai là hết sức cần thiết.
Tuyến đường tránh lũ từ thôn Khe Mười đấu nối ra Tỉnh lộ 329 được thi công từ đầu năm 2019 với tổng số tiền đầu tư gần 10 tỷ đồng do UBND huyện Ba Chẽ làm chủ đầu tư và được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2019.
Mỗi khi mưa to, đất đá chảy tràn xuống mặt đường, do cống thoát nước ngang đường có khẩu độ quá nhỏ |
Tuyến đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc lưu thông một số địa phương của huyện như Ba Chẽ, Lương Mông, Minh Cầm, Đồn Đạc nối ra Tỉnh lộ 329 khi giao thông qua trung tâm thị trấn Ba Chẽ bị cô lập khi có lũ tràn về. Tuy nhiên, từ ngày đưa vào sử dụng đến nay, đường tránh lũ lại có nguy cơ bị chia cắt do đất, đá từ trên mái taluy dương sạt, lở nhất là mỗi khi vào mùa mưa lũ, gây nguy hiểm cho người, phương tiện mỗi khi qua lại.
Bên cạnh đó, mặc dù theo thiết kế dự án có phương án vận chuyển đất, đá đi nơi khác tập kết, nhưng thực tế, đơn vị thi công đã đổ hàng trăm m3 đất, đá lấp xuống dòng suối Khe Mười làm cho dòng chạy bị ùn, ứ gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước.
Nhiều đoạn trên tuyến tránh thoát lũ không có rãnh thoát nước, mỗi khi có mưa đất đá trôi xuống vùi lấp mặt đường |
Để làm rõ những bất cập này, trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Chẽ, Trần Trọng Tường cho biết, lẽ ra phải thiết kế mái taluy theo kết cấu hệ số là 1/1 hoặc 1/075, nhưng do kinh phí có hạn, nên tuyến đường này chỉ được thiết kế 1/0,3, nên mới dẫn đến tình trạng này. Hơn nữa, khi thực hiện dự án phải đền bù đất lâm nghiệp cho dân, nếu thực hiện được thiết kế đảm bảo sẽ tốn thêm kinh phí để đền bù, giải phóng mặt bằng, nên sẽ khó triển khai được dự án.
Những đoạn có rãnh thoát nước, nhưng các tấm đan vị gẫy vỡ nát |
Chia sẻ với PV, ông Vũ Thành Long, Bí thư Huyện ủy Ba chẽ thừa nhận, thực tế, hiện nay, nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện khi thiết kế, thi công đã không tính toán hết đến kết cấu địa chất. Nguyên nhân chủ yếu là do kinh phí hạn hẹn, nếu làm kè hoặc phân tầng, cắt lớp thì sẽ rất tốn kém. Tới đây, huyện sẽ rà soát, đánh giá tổng thể để rút kinh nghiệm cho các dự án sau. Trước mắt, huyện sẽ nghiên cứu, đầu tư để giảm thiểu tới mức thấp nhất tình trạng sạt, trượt trên tuyến đường tránh lũ này.
Đơn vị thi công tuyến tránh lũ Khe Mười- Tỉnh lộ 329 đổ hàng trăm tấn đất, đá vùi lấp lòng suối Khe Mười
|