Quảng Ninh có trên 422 nghìn ha rừng, trong đó 70% diện tích là rừng và đất lâm nghiệp, được phân bố trên toàn tỉnh tại 14/14 huyện, thị xã, thành phố và 170/186 xã, phường, thị trấn. Với các khu rừng đặc dụng và khu bảo tồn thiên nhiên quan trọng như: Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Bái Tử Long, Rừng Quốc gia Yên Tử, Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng và những khu rừng phòng hộ như: Rừng phòng hộ hồ Yên Lập, hồ Tràng Vinh, hồ Đầm Hà Động. Trong thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng đã được triển khai thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng, diện tích rừng và đất lâm nghiệp về cơ bản đã được giao, cho thuê cho các chủ quản lý cụ thể để tổ chức quản lý, bảo vệ và sản xuất kinh doanh rừng.
Những vạt rừng ngập mặn tại phường Hà Khẩu, TP.Hạ Long đang chết dần do người dân tự ý đắp đầm nuôi thủy sản. |
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 5 địa phương chưa xây dựng xong Đề án giao đất, giao rừng theo Quyết định 3079/2009 ngày 8/10/2009 do UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành. Cụ thể gồm các địa phương như: Hạ Long, Uông Bí, Vân Đồn, Quảng Yên và Cô Tô đến nay vẫn chưa xây dựng xong Đề án giao đất, giao rừng để Tỉnh phê duyệt.
Theo kết quả rà soát của Sở TN&MT báo cáo tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII vào cuối tháng 7 vừa qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tiến hành giao đất, cho thuê đất đối với trên 34 nghìn hộ gia đình cá nhân với tổng diện tích trên 138 nghìn ha đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản.
Điều đáng nói là hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn còn trên 6 nghìn hộ dân đang quản lý, khai thác, sử dụng trên 21 nghìn ha đất rừng nhưng vẫn chưa đủ thủ tục để được giao và cho thuê theo quy định của pháp luật. Cụ thể tại các địa phương như: Tại TP.Hạ Long có trên 900 hộ dân đang sử dụng trên 2.400 ha; TP.Uông Bí có trên 1.300 hộ dân đang sử dụng trên 12 nghìn ha; huyện Vân Đồn có trên 1.600 hộ đang sử dụng hơn 9.700ha; TX.Quảng Yên có trên 900 hộ dân đang sử dụng trên 700 ha...
Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn TP. Hạ Long giảm dần trong thời gian qua |
Tình trạng này đã tồn tại nhiều năm qua nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nảy sinh những phức tạp trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, nhất là trong điều kiện nhiều hộ dân đang thiếu đất rừng để sản xuất, cũng như nuôi trồng thủy sản. Điều này dẫn đến hệ lụy, nhiều hộ dân đã tự ý lấn chiếm, chặt phá rừng, đắp ao đầm vào diện tích rừng ngập mặn để nuôi trồng, sản xuất, dẫn đến diện tích rừng giảm dần.
Nhất là thời gian qua, quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh với hàng trăm dự án triển khai tập trung tại các địa phương như: Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí, Quảng Yên...nên diện tích rừng, nhất là rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có xu hướng giảm dần. Theo kết quả rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng của tỉnh Quảng Ninh gần đây nhất, diện tích rừng trên địa bàn tỉnh là trên 422 nghìn ha, giảm hơn 4 nghìn ha so với quy hoạch trước đây, 3 loại rừng sản xuất, phòng hộ và đặc dụng có nhiều diện tích bị thay đổi.
Theo thống kê mới nhất của Sở Nông nghiệp và Nông thôn Quảng Ninh, cả tỉnh hiện còn trên 19 nghìn ha rừng ngập mặn, trong đó diện tích rừng đặc dụng chỉ còn chưa đầy 27 ha, rừng phòng hộ là hơn 15 nghìn ha, rừng sản xuất trên 3 nghìn ha, rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp là trên 1.300 ha. Điều đáng nói là nhiều địa phương như: Hạ Long, Vân Đồn, Cẩm Phả... diện tích rừng ngập mặn trồng mới gần như bằng không, trong khi nhiều cánh rừng ngập mặn bị lấy để triển khai các dự án.
Cần tăng cường bảo vệ nghiêm ngặt rừng phòng hộ hồ Yên Lập nhằm bảo đảm nguồn nước sinh hoạt |
Vì vậy, để nâng cao giá trị cũng như tầm quan trọng mang tính “sống còn” của rừng trong việc bảo vệ môi trường và là nền tảng đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh, cũng như tạo sinh kế bền vững cho người dân, Quảng Ninh cần quyết liệt chỉ đạo các địa phương sớm hoàn thành Đề án giao đất, giao rừng, cũng như hoàn thiện các thủ tục pháp lý về giao rừng cho người dân trong thời gian tới.