Quảng Ninh: Đẩy mạnh việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp

Phạm Hoạch| 16/03/2021 11:46

(TN&MT) - Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh triển khai hàng loạt các dự án lớn, vì vậy nhu cầu đất đá để san lấp là rất lớn, trong khi tại các địa phương trên địa bàn tỉnh như: Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả có hàng chục bãi thải mỏ với hàng trăm triệu mét khối đất đá thải. Việc sử dụng đất đá thải mỏ để san lấp các dự án vừa tiết kiệm tài nguyên vừa đảm bảo an toàn cho các bãi thải mỏ.

Theo tính toán của các ngành chức năng, trong giai đoạn 2021- 2025, mỗi năm tỉnh Quảng Ninh cần từ 100 đến 150 triệu m3 đất đá phục vụ san lấp các dự án trên địa bàn. Trong khi đó, trung bình mỗi năm gần đây, ngành Than đã phải đổ trên 100 triệu m3 đất đá thải mỏ không có khoáng sản đi kèm. Đặc biệt có những bãi thải mỏ cao đến 300 mét so với mực nước biển như bãi thải Đông Cao Sơn, và có những bãi thải đã tồn tại hàng trăm năm nay, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đời sống của người dân sinh sống ở khu vực lân cận.

Bãi thải mỏ Đông Cao Sơn, tại TP.Cẩm Phả có độ cao tới 300 mét, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất là vào mùa mưa bão

Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan nghiên cứu, lập đề án về việc tận dụng nguồn vật liệu đất đá thải mỏ bỏ đi để làm vật liệu san lấp và bước đầu đã được Bộ Tài nguyên Môi trường cho phép triển khai thí điểm tại vỉa 14 cánh Tây mỏ than Núi Béo, với trữ lượng khoảng 700.000 m3 để phục vụ cho dự án đường bao biển nối TP.Hạ Long và TP.Cẩm Phả. Trong quá trình triển khai tỉnh Quảng Ninh đã tích cực chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, tuy nhiên đây là vấn đề mới và khâu khó khăn nhất hiện nay là việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng để xử lý các thủ tục và thống nhất các biện pháp để triển khai, nhằm đảm bảo đạt mục đích cao nhất về kinh tế xã hội môi trường, an ninh trật tự, đảm bảo an toàn.

Việc hoàn nguyên bằng cách san lấp các moong sau khai thác than khiến mất nhiều thời gian và chi phí trong những năm qua

Gần đấy nhất, sau khi đi thực tế tại các bãi thải mỏ của một số đơn vị thuộc ngành Than nằm trên địa bàn TP.Hạ Long, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, căn cứ vào các văn bản của Bộ TN&MT, phương án đã xây dựng, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, TP.Hạ Long phối hợp cùng TKV và Công ty CP than Núi Béo khẩn trương tháo gỡ khó khăn về thủ tục và trên cơ sở các quy định pháp luật sẽ vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa hoàn thiện quy trình quản lý, đảm bảo đạt hiệu quả về kinh tế, xã hội môi trường.

Việc sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các dự án giúp không phá rừng, phá vỡ địa hình tự nhiên mà còn giảm áp lực cho bãi thải mỏ, trong khi có nhiều bãi thải mỏ có nguy cơ cao về môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sự an toàn của người dân xung quanh khu vực bãi thải. Để giải bài toán này, tỉnh Quảng Ninh và TKV sẽ quyết tâm xây dựng và triển khai các đề án phát triển kinh tế tuần hoàn trên cơ sở tận dụng tối đa nguồn đất đá thải mỏ bỏ đi không đi kèm khoáng sản đang đổ thải trên các bãi thải mỏ, gây chiếm dụng hàng nghìn hecta đất mỗi năm, và gây ra những hệ lụy khôn lường về môi trường, ảnh hưởng đến đời sống xã hội.

Nhiều đơn vị ngành Than đầu tư kinh phí xây dựng các đập chắn tại chân các bãi thải mỏ

Cùng với đó, các ngành chức năng của tỉnh Quảng Ninh và TKV nghiên cứu việc đưa các moong khai thác lộ thiên đã kết thúc khai thác trở thành những hồ dự trữ nước ngọt, vừa bảo đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước, vừa giảm được chi phí và thời gian so với phương án hoàn nguyên với chi phí tốn kém như trước đây. Với phương án này, Quảng Ninh sẽ gia tăng lượng tích trữ nước ngọt trên phạm vị toàn tỉnh lên tới 1 tỷ m3, đảm bảo an ninh nguồn nước, góp phần đảm bảo về kinh tế, xã hội và môi trường.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh kiểm tra hiện trường khai thác của Công ty Than Hà Tu tại TP.Hạ Long vào đầu tháng 3/2021

Ngoài ra, mỗi năm, TKV cũng xả thải ra môi trường hơn 100 triệu m3 nước thải hầm lò đã qua xử lý đạt chuẩn và được lắp đặt hệ thống qua trắc tự động. Để tận dụng nguồn nước thải mỏ này, tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan chức năng phối hợp với TKV, tranh thủ ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu thêm những công nghệ giúp tận dụng nguồn nước thải mỏ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Với việc tận dụng lượng đất đá thải mỏ lên tới hàng trăm triệu m3, sẽ giúp cho Quảng Ninh có được nguồn vật liệu để san lấp, thi công nhiều dự án trên địa bàn, vừa tiết kiệm tài nguyên vừa góp phần bảo vệ an toàn cho các bãi thải mỏ, cũng như đảm bảo môi trường cho người dân trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Đẩy mạnh việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO