Biến đổi khí hậu

Quảng Ninh: Chuyển đổi cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu

Phạm Hoạch 03/10/2023 - 11:35

(TN&MT) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra theo chiều hướng ngày càng cực đoan, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Những năm qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi tập quán canh tác, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Nhân rộng mô hình hiệu quả

Quảng Ninh hiện đang đẩy mạnh việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, tỉnh đặt mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, theo đó tập trung sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản theo hướng lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh, phát triển thị trường, xây dựng chuỗi cung ứng - sản xuất - chế biến - tiêu thụ ứng dụng công nghệ, hình thành hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp đồng bộ, bền vững, gắn với du lịch, dịch vụ, thương mại, xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng phó thiên tai, thích ứng với BĐKH.

Để triển khai hiệu quả, Quảng Ninh đã quan tâm và dành nguồn lực lớn để đầu tư cho phát triển mô hình sản xuất, lấy người nông dân làm chủ thể thực hiện, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ để người nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Trên cơ sở đó, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, góp phần duy trì hệ sinh thái tự nhiên, không gây hại đến sức khỏe người nông dân trực tiếp canh tác và người tiêu dùng.

z4746987268568_7093d34d610d9475eeb5bb5aa298f904.jpg
Người dân xã Liên Hòa, TX. Quảng Yên thu hoạch dưa gang

Ông Ân Văn Kim, ở thôn Đồng Đạng, xã Sơn Dương nhớ lại về những ngày đầu lập nghiệp trên vùng đất khô cằn, gò đồi, xen ruộng: “Tôi đã bắt tay vào trồng lúa, ngô, khoai. Sau nhiều năm canh tác, nhận thấy cây lúa, ngô chỉ đem lại lương thực đủ ăn cho gia đình nên tôi đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao như: Ổi Thái, trà hoa vàng, mía. Hiện tại, vườn cây ăn quả của gia đình tôi đã có lượng khách ổn định, nhiều thương lái đến thu mua tận vườn. Từ mô hình cây ăn quả, gia đình tôi thu về khoảng 500 triệu đồng/năm”.

Trước đây người dân các thôn 1, 2, 3, xã Liên Hòa (TX. Quảng Yên) không mấy mặn mà với việc sản xuất vụ hè - thu, bởi thường xuyên thiếu nước tưới, nhất là ở những cánh đồng cao, nên năng suất lúa đạt thấp. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, địa phương có chủ trương chuyển đổi cây trồng, một số hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển sang trồng dưa gang, dưa lê. Nhờ vậy đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, hiện có trên 50 hộ tham gia trồng màu với diện tích chuyển đổi hơn 13ha.

Ông Đào Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hòa cho biết, năm nay, xã thử nghiệm nâng từ trồng 2 vụ lên 3 vụ dưa gang, dưa lê, riêng vụ hè - thu, toàn xã làm hơn 13ha với các giống mới cho năng suất cao. Từ khi chuyển đổi sang trồng dưa, bà con không còn nỗi lo thiếu nước vào mùa khô, dưa cho năng suất cao, bán được giá, cho thu nhập cao gấp 3 - 4 lần trồng lúa.

Hướng đến sản xuất bền vững

Để thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi trên đất vùng gò đồi, đất cao trồng lúa kém hiệu quả, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở cũng như các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách liên quan đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng tới người dân.

Nhờ vậy, những phương thức canh tác mới, hiện đại, an toàn đã dần thay thế cho cách trồng trọt, chăn nuôi trước kia, trong đó, chất lượng nông sản được đặt lên hàng đầu để tạo giá trị bền vững lâu dài.

Ông Hồng cho biết thêm, thực hiện kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên cánh đồng cao, thường xảy ra thiếu nước vào mùa khô, địa phương đã khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, tận dụng gò đất cao sang trồng một số loại cây khác cho giá trị kinh tế cao như: Dưa gang, dưa lê. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đã giúp người dân địa phương ổn định đời sống, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Mạnh Thắng - Trưởng phòng Kinh tế TX. Quảng Yên cho biết, trước tình hình BĐKH ngày càng khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, trên những cánh đồng ruộng không đủ nước tưới, cấy lúa kém hiệu quả, các địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng cạn, như: Dưa gang, dưa lê, rau màu có nhu cầu nước tưới thấp, phù hợp với điều kiện đất đai của từng vùng và có thị trường ổn định.

Hiện trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chất lượng nông sản Quảng Ninh ngày càng được nâng cao và có vị trí ổn định trên thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh tập trung phát triển đối với lĩnh vực có dư địa tăng trưởng như thủy sản, lâm nghiệp, chăn nuôi. Trong đó, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, nhất là các mô hình nuôi biển bền vững, nuôi tôm siêu thâm canh 3 vụ, gắn với chế biến sâu, xây dựng và phát triển thương hiệu hải sản Hạ Long, Cô Tô, Vân Đồn, Móng Cái.

Với những cách làm hiệu quả, nông nghiệp Quảng Ninh đã từng bước khẳng định được vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Qua đó góp phần quan trọng vào quá trình tăng trưởng chung của tỉnh, từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông thôn văn minh, hiện đại đồng bộ với tăng trưởng xanh, cũng như ứng phó BĐKH đang diễn ra ngày càng gay gắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Chuyển đổi cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO