Quảng Ninh: Bảo vệ nguồn nước để phát triển bền vững
(TN&MT) - Nhận thức rõ tầm quan trọng trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước để phát triển kinh tế, ổn định đời sống, xã hội, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.
Nhận diện nguy cơ tiềm ẩn
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 67 sông, suối, chiều dài trên 10km. Trong đó có 6 sông, suối thuộc lưu vực sông lớn, 29 sông, suối thuộc lưu vực sông liên tỉnh độc lập và 32 sông, suối là sông nội tỉnh độc lập. Ngoài ra còn có 176 hồ chứa nước mặt với tổng dung lượng nước khai thác trên 396 triệu m3/năm phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Đánh giá về các nguy cơ mất cân đối nguồn nước, ông Ngọc Thái Hoàng - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh cho biết: Mặc dù được đánh giá là địa phương có mạng sông, suối khá dày đặc, nhưng do đặc điểm địa hình của Quảng Ninh chia cắt, nhiều đồi núi, hải đảo làm mất cân đối nguồn nước theo mùa và khu vực, gây khó khăn trong việc đáp ứng nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn.
Bên cạnh đó, tình trạng khai thác nước ngầm quá mức có thể dẫn đến nguy cơ cạn kiệt, nhiều diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ là nhân tố giữ vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn sinh thủy tự nhiên đang đối mặt với tình trạng suy giảm, dẫn đến mất tầng trữ nước bề mặt, xói mòn đất, ảnh hưởng việc giữ nước. Đặc biệt, một số các cơ sở trường học, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh đang khai thác, sử dụng nước, thuộc trường hợp phải làm thủ tục cấp phép nhưng chưa thực hiện đúng, khai thác không phép, không đăng ký theo quy định.
Mặt khác, trước những tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu, một số huyện vùng cao, hải đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang đối mặt với tình trạng không cân đối được nguồn nước tại chỗ cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có xu hướng xảy ra trên diện rộng, diễn biến phức tạp, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Điển hình, năm 2020, nhiều hồ chứa trên địa bàn Quảng Ninh rơi vào tình trạng khô hạn, gây thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất đối với các địa phương.
Theo Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước của tỉnh Quảng Ninh, tổng nhu cầu sử dụng nước hiện trạng của tỉnh là 431,28 triệu m3/năm. Trong khi đó, theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, với tốc độ tăng trưởng như những năm qua, dự kiến vào năm 2025, Quảng Ninh sẽ thiếu trên 1 triệu m3 nước, năm 2030 thiếu trên 2,6 triệu m3 nước. Đây là thách thức rất lớn đặt ra cho mục tiêu phát triển của địa phương trong thời gian tới.
Để giải bài toán trên, tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh việc triển khai thi công một số các công trình hồ đập trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Mới đây, công trình hồ chứa nước Khe Giữa, tại xã Dương Huy, TP. Cẩm Phả có dung tích chứa nước đạt khoảng 7,6 triệu m3 vừa đưa vào khai thác, góp phần đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Cẩm Phả và TP. Hạ Long.
Các ngành chuyên môn và địa phương cũng đang triển khai một số công trình hồ đập quan trọng khác, như: Hồ Tài Chi (huyện Hải Hà), hồ Khe Và, hồ Khe Ngày (huyện Bình Liêu), hồ Pò Hèn (TP. Móng Cái), hồ trên đảo Vạn Cảnh (huyện Vân Đồn).
Giải pháp bền vững an ninh nguồn nước
Một trong những giải pháp chiến lược được tỉnh Quảng Ninh đưa ra, đó là phê duyệt Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu trọng tâm là bảo đảm số lượng, chất lượng nước cấp cho sinh hoạt trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất và các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo lợi ích quốc gia, quốc phòng - an ninh. Đồng thời bảo đảm an toàn tuyệt đối đập, hồ chứa nước lớn, cấp nước đa mục tiêu, chủ động ứng phó khi có sự cố, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và chủ động tích, trữ, điều hòa nguồn nước.
Quảng Ninh cũng sẽ tập trung đầu tư xây dựng các trạm cấp nước sạch, cải tạo, nâng cấp, mở rộng mạng lưới ống dẫn nước ở khu vực đô thị, nông thôn, nhất là những khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, nhằm nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nguồn nước sạch.
Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sử dụng nước sạch của dân cư thành thị tại Quảng Ninh sẽ đạt trên 98%, tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh của dân cư nông thôn đạt 100%, trong đó 80% sử dụng nước sạch, tỷ lệ cấp nước khu công nghiệp tập trung đạt 100%. Đến năm 2030, tỷ lệ sử dụng nước sạch của dân cư thành thị sẽ đạt 100%, tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh của dân cư nông thôn đạt 100%, tỷ lệ cấp nước khu công nghiệp tập trung đạt 100% diện tích sử dụng đất khu công nghiệp với định mức cấp nước là 45m3/ha/ngày đêm.
Đồng thời, Quảng Ninh tập trung đầu tư, sửa chữa, nâng cấp công trình đầu mối, hệ thống kênh mương thủy lợi, công trình tích, trữ nước phân tán hiện có, gắn với xây dựng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu phục vụ đa mục tiêu, cấp nước, tiêu thoát nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, vùng cây ăn trái, cây dược liệu bản địa có giá trị kinh tế cao.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng tiết kiệm nước, khuyến khích các địa phương và người dân bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, ưu tiên các khu vực, lưu vực các nguồn nước tạo nguồn sinh thủy tại các hồ chứa nước lớn, hồ chứa nước đa chức năng, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.