Quảng Ngãi: Xóm “ốc đảo” với nỗi lo sông nuốt làng

Lan Anh| 11/10/2021 17:42

(TN&MT) - Từ hàng chục năm nay, gần 60 hộ dân xóm Lân (xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi) luôn sống trong nỗi lo sạt lở, chia cắt do địa hình nằm giữa dòng sông Trà Khúc. Lớp người cũ nằm xuống, thanh niên già đi, lớp trẻ lớn lên lập gia đình… người dân nơi "ốc đảo" giữa dòng Trà Khúc vẫn khắc khoải mong chờ được tái định cư.

Chênh vênh bên mép sông

Xóm Lân (xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi) ở giữa dòng sông Trà Khúc được ví như “ốc đảo”, nối với đất liền bằng cây cầu tre tạm bợ dài hơn 200 m. Chừng năm 2000, mỗi khi lũ về, nước sông dâng cao, những bờ đất ở xóm Lân bị ngoạm sâu thành hàm ếch, sâu hoắm. "Ốc đảo" xuất hiện thêm nhiều vết nứt, sau đó sạt lở.

Năm 2003, dự án di dân vùng sạt lở ven sông được triển khai. Theo đó, toàn bộ 176 hộ dân ở xóm Lân được cơ quan chức năng bố trí đất ở tại khu tái định cư Đồng Bến Sứ. Nhưng vì thiếu đất, địa phương chỉ giải quyết tái định cư đợt đầu cho một số hộ.

Xóm Lân nối với đất liền bằng cây cầu tre tạm bợ

Là một trong số những hộ dân chưa được di dời, căn nhà cấp 4 của bà Dung chỉ cách mép sông chừng hơn 200m, ngày ngày thấp thỏm với nỗi lo bị cuốn trôi bất cứ lúc nào. Bà Dung chia sẻ: Khoảng chục năm trước, vợ chồng bà vay mượn xây dựng được ngôi nhà cấp 4, cách mép sông hơn 200 m. Nhưng do con nước lũ gây sạt lở quá nhanh, nên nợ thì chưa trả xong, mà ngôi nhà thì sắp ngã nhào xuống sông. Mỗi lần nghe tin bão lũ chuẩn bị về, 4 người trong gia đình bà Dung phải dời đến ở nhờ ngôi nhà bỏ hoang trong xóm Lân ở tạm.

“Những đêm mưa to, gió lớn, nghe tiếng ầm đằng sau nhà, sáng dậy thì thấy đất bị lở vào đến 5m. Qua mỗi năm, sông lại “ngoạm” lấy cù lao này từ 5 - 10 mét. Giờ đã đến mùa mưa lũ, ai ai trong xóm cũng lo sợ. Chỉ mong các cấp quan tâm và hỗ trợ để chúng tôi được di dời đến chỗ ở mới, ổn định cuộc sống khi về già”, bà Đỗ Thị Dung nghẹn ngào.

Hàng chục ngôi nhà ở xóm Lân sát mép sông chực chờ sụp xuống bất cứ lúc nào

Cách nhà bà Dung vài bước chân là căn nhà xiêu vẹo, cũ kỹ, chực chờ đổ sập của vợ chồng bà Phạm Thị A và ông Tạ Ngọc Dưỡng. Ở cái tuổi ngấp nghé 70, lưng còng, sức yếu, ông bà cũng chỉ biết canh các lỗ thủng trên mái nhà để hứng nước mưa rồi âu lo xem chừng gió lớn để tháo chạy thoát thân. Bà A không nhớ nổi căn nhà như chiếc răng sắp rụng này đã qua bao lần tả tơi, xiêu vẹo vì mưa bão.

 “Năm trước, nước lớn và chảy xiết lắm! Đồ đạc trong nhà đều bị cuốn trôi. Bao năm qua cứ đợi được di dời, mà mãi không thấy đâu. Giờ đã đến mùa mưa lũ, ai ai trong xóm cũng lo sợ. Già rồi, chẳng biết xoay sở thế nào”- bà A giọng buồn.

Mòn mỏi… chờ tái định cư

Người dân Xóm Lân chưa bao giờ thôi mong đợi ngày được di dời đến nơi ở mới. Mỗi độ chiều sập tối, bà Trần Thị Được lại đứng ở đầu cầu tre bên này, nhìn bên kia bờ sông mà ao ước. Nơi ấy, tuyến đường Mỹ Trà- Mỹ Khê chạy ngang qua, làng xóm sầm uất, nhà cao, đường rộng, đèn đuốc sáng trưng. Nhìn lại bên này cầu, mọi thứ như thưở ban sơ, bao nhiêu năm không thay đổi.

Bà Được bồi hồi kể lại, bà nhớ như in tâm trạng của mình trong những ngày đầu nhận tin xóm Lân được di dời. Bà liên tục hỏi thăm cán bộ trong xóm và con cháu xung quanh. Bà mừng mấy ngày liền, còn nói với tụi nhỏ trong xóm sắp được đi khỏi vùng đất hay ngập lũ và chia cắt này rồi.

Cuộc sống của người dân ở "ốc đảo" tạm bợ, khó khăn đủ đường

Năm 2017, chính quyền địa phương thông tin, tỉnh bố trí cho 39 lô trong khu dân cư Cây Sến (thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi) thuộc dự án di dời thực hiện đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh. Bà Được nghe loa thông báo lại vui mừng, hy vọng, rồi thất vọng.

Tới năm 2019, Xóm Lân được dự tính quy hoạch thành một khu du lịch sinh thái hàng trăm hecta. Người dân trong xóm lại hăm hở đi nghe thuyết minh về triển vọng phát triển khu du lịch sinh thái ốc đảo, rồi xôn xao mong chờ, rồi dùng dằng không đi.

Ông Nguyễn Văn Tin- xóm trưởng xóm Lân cho biết, nguyên nhân các hộ dân khu vực này vẫn chấp nhận rủi ro, bám trụ ở vùng sạt lở, chẳng chịu di dời vì vẫn còn nhiều khúc mắc chưa được giải quyết ổn thỏa. “139 hộ dân trước kia đến nơi ở mới nhưng vẫn giữ được đất đai, cây trồng, vật kiến trúc tại nơi ở cũ. Nhưng bây giờ, những hộ còn lại muốn tái định cư thì phải áp dụng theo quy định mới, tức thu hồi đất nơi ở cũ”, ông Tin lý giải.

Theo ông Tin, người dân xóm Lân chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng rau, củ ở ven sông nên ai cũng mong sau khi quy hoạch sẽ có đất để tiếp tục làm ăn, ổn định cuộc sống. Họ mong các cấp quan tâm, hỗ trợ để người dân tìm được kế sinh nhai.

Những căn nhà chênh vênh bên mép sông 

Ông Nguyễn Lâm - Phó Chủ tịch UBND TP. Quảng Ngãi cho biết, hiện chưa có cách tháo gỡ nào cho hợp lòng dân mà vẫn đúng luật. Trước mắt, đối với vùng nguy cơ sạt lở ở xóm Lân khi lũ vượt báo động 2 thì tuyên truyền, vận động người dân di dời đến nơi an toàn. Về lâu dài, thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị với UBND tỉnh tìm phương án khả thi để di dời 39 hộ này, đảm bảo cuộc sống cho người dân

Hơn 20 năm trôi qua, giấc mơ tái định cư của người dân xóm Lân vẫn còn dang dở. Khi chưa có phương án di dời, mùa mưa lũ năm nay, người dân ở “ốc đảo” vẫn phải tiếp tục thấp thỏm nỗi lo nhà cửa bị cuốn trôi còn bọn trẻ lại tay xách, nách mang cặp vở lên đò sang bên kia sông đi học. Người dân ở ốc đảo xóm Lân đây đang từng ngày mong mỏi được đến khu tái định cư để ổn định cuộc sống.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Xóm “ốc đảo” với nỗi lo sông nuốt làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO