Quảng Ngãi: Xây dựng kinh tế biển xanh để phát triển bền vững
Là địa phương có lợi thế về kinh tế biển, thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi không ngừng phát huy các tiềm năng, thế mạnh từ biển gắn với bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
PV Báo Tài nguyên và Môi trường có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Trung - Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi về những giải pháp xây dựng kinh tế biển xanh.
PV: Thưa ông, Quảng Ngãi là địa phương có tiềm năng, thế mạnh về biển. Thời gian qua, địa phương đã có những giải pháp gì để khai thác kinh tế gắn liền với bảo vệ tài nguyên biển, đảo bền vững?
Ông Nguyễn Đức Trung: Quảng Ngãi là một trong những tỉnh có lợi thế về biển, có vị trí địa lý thuận lợi, có cảng biển sâu, có điều kiện để phát triển hàng hải, du lịch biển, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản…với chiều dài bờ biển trên 130 Km và có 5 huyện, thị xã, thành phố có biển. Để khai thác hiệu quả kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường, thời gian qua địa phương tập trung vào nhiều giải pháp trong đó chú trọng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Các tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chủ quyền biển, đảo, các chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển với nhiều hoạt động cụ thể.
Thứ hai, là tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch bảo đảm chất lượng, đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn. Theo đó, công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung và phê duyệt mới các quy hoạch ở các huyện, thị xã, thành phố có biển được tiếp tục chú trọng, triển khai, đảm bảo tính đồng bộ, tạo tiền đề phục vụ phát triển các ngành kinh tế biển của tỉnh. Đặc biệt, UBND thị xã Đức Phổ đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập tại Nghị quyết số 867/NQ-UBTVQH14 ngày 10/01/2020, Bộ Xây dựng đã công nhận khu vực thị trấn Đức Phổ mở rộng đạt tiêu chuẩn đô thị IV. Ngoài ra, một số quy hoạch về khai thác, sử dụng tài nguyên: Đất đai, nước, khoáng sản cũng được UBND tỉnh phê duyệt để làm cơ sở cho việc quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên ở vùng ven biển, hải đảo.
Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về biển, đảo trong đó có tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về biển, đảo được củng cố, kiện toàn và cơ chế phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng được ban hành. Đây là pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện có hiệu quả và đồng bộ công tác quản lý, khai thác tài nguyên biển, hải đảo. Bộ máy quản lý nhà nước ở cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nhờ đó hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về biển, đảo ngày càng được nâng cao.
Thứ tư, để khai thác tiềm năng và tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội vùng biển và đảo, tỉnh đã huy động mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư để phát triển kinh tế biển, đảo như: nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, vốn trái phiếu Chính phủ, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình hỗ trợ mục tiêu khác,... để tập trung đầu tư phát triển kinh tế biển.
PV: Thách thức lớn nhất đối với địa phương trong công tác bảo vệ môi trường ven biển quanh các dự án công nghiệp lớn để phát triển kinh tế là gì thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Trung: Với lợi thế vị trí địa lý là vịnh kín nước sâu, KKT Dung Quất thu hút được sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất, Công ty TNHH Doosan Enerbility Việt Nam, Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi, Công ty Cổ phần Dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi,… phát triển hệ thống các cảng biển lớn mang lại nhiều nguồn thu cho ngân sách địa phương, góp phần vào phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, đi kèm với lợi ích thì tỉnh cũng đối mặt với nhiều thách thức trong công tác bảo vệ môi trường ven biển xung quanh các dự án này như các sự cố gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trên diện rộng do các nguồn thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp lớn tại Khu kinh tế ven biển. Vấn đề đặt ra là làm sao để kiểm soát chặc chẽ các nguồn thải này đảm bảo quy chuẩn trước khi thải ra môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thứ hai là ô nhiễm môi trường biển do các sự cố tràn dầu trên diện rộng trong khi đó các công tác ứng phó với sự cố môi trường trên biển còn nhiều bất cập. Hoạt động vận tải của tàu thuyền ra vào các cảng tại Khu kinh tế Dung Quất với tần xuất cao tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu trên biển nếu không được kiểm soát, điều phối nhịp nhàng của cơ quan quản lý và chủ tàu không có ý thức tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn hàng hải cũng như chủ động trong công tác phòng ngừa sự cố tràn dầu.
PV: Thời gian tới, ngành TN&MT Quảng Ngãi sẽ triển khai những giải pháp tổng thể và căn cơ gì để phát triển kinh tế biển, giảm nghèo bền vững cho người dân ven biển?
Ông Nguyễn Đức Trung: Đối với ngành tài nguyên và môi trường, chúng tôi tập trung vào các giải pháp nhằm nhằm tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn, và phát triển bền vững đa dạng sinh học biển nhằm góp phần phát triển bền vững kinh tế biển như: Cập nhật, điều tra bổ sung cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm đánh giá tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, hệ sinh thái để phục vụ các ngành kinh tế biển.
Nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ môi trường ở địa phương và doanh nghiệp; tăng cường trang thiết bị giám sát, cảnh báo về chất lượng môi trường, ứng phó sự cố môi trường; thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, công tác hậu thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp phép môi trường; kiểm soát nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn về môi trường đối với các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tích hợp công tác bảo vệ môi trường ngay trong quá trình lập quy hoạch, thu hút các dự án đầu tư; quản lý nguồn nước thải, chất thải rắn tại các khu công nghiệp ven biển, nước thải tại các vùng nuôi thủy sản tập trung.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các sự cố ô nhiễm môi trường; có giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng môi trường ở vùng ven biển và đảo Lý Sơn; xử lý kịp thời các nguồn gây ô nhiễm, bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra các sự cố gây ô nhiễm môi trường. Nâng cao ý thức cộng đồng, đẩy mạnh xã hội hóa về bảo vệ môi trường.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm nâng cao ý thức bảo tồn đa dạng sinh học cho cư dân ven biển, đảo và Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Cuối cùng là nâng cao năng lực, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong dự báo, cảnh báo, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Dự lường các yếu tố tác động để lồng ghép các yêu cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai trong kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông!