Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện nội dung Quyết định số 64/2017/QĐ-UBND ngày 25/9/2017 của UBND tỉnh ban hành Quy định về cơ chế, chính sách bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III).
Chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức thực hiện giao khoán bảo vệ rừng theo đúng quy định tại Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước và các văn bản liên quan đến công tác khoán bảo vệ rừng của Trung ương và địa phương.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi tổng diện tích có rừng trên địa bàn tỉnh là 334.278ha, trong đó có hàng trăm hécta rừng trồng |
Chỉ đạo các phòng, cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã xác định hiện trạng rừng chính xác làm cơ sở xây dựng kế hoạch, chương trình, dự án,.... ưu tiên của mỗi địa phương, trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo đúng trình tự quy định để triển khai thực hiện.
Nâng cao trách nhiệm, vai trò quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định; đánh giá hiệu quả thực hiện các chính sách về bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn quản lý, đề xuất một số chính sách hỗ trợ đầu tư, đầu tư để thực hiện giai đoạn tiếp theo.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ tổng hợp kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng hàng năm do UBND các huyện, chủ rừng đăng ký các Chương trình dự án trên địa bàn tỉnh, đề xuất phần kinh phí còn thiếu,... Chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh, phối hợp với UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện dự án rà soát, đo đạc xác định diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch phòng hộ nhưng người dân đang sử dụng trong lâm phần quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh đúng tiến độ và báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện theo quy định.
Các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực giám sát tài nguyên rừng; đa dạng sinh học và cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh nhằm phát hiệm sớm các vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp, nguy cơ cháy rừng để cảnh báo, có biện pháp xử lý kịp thời, giảm thiệt hại về rừng và đất lâm nghiệp.
Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai việc ký kết hợp đồng hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn, hỗ trợ trồng cây phân tán là cây gỗ nguy cấp, quý, hiếm; tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các đối tượng hưởng lợi nhằm đảm bảo việc thực hiện hỗ trợ đạt hiệu quả cao nhất; tạo mô hình trực quan hiệu quả cao để nhân rộng trong những năm tới.