Quảng Ngãi sau 13 thực hiện Luật Khoáng sản 2010: Cần thiết sửa đổi, bổ sung để thúc đẩy phát triển bền vững
Kỳ 3: Địa phương cần gì?
(TN&MT)-- Sau 13 năm thực thi Luật Khoáng sản 2010, nhiều nội dung, quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, khó khăn khi thực hiện. Các ngành chức năng đã có những ý kiến, góp ý nhằm hoàn thiện Luật Khoáng sản phù hợp với thực tế, qua đó giúp nâng cao công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản cũng như gỡ bỏ những nút thắt để địa phương phát triển bứt phá.
Nguyễn Đức Trung – Quyền Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi: Thay đổi để phù hợp với thực tiễn
Thực tiễn sau 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp gây cản trở cho công tác quản lý và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như quy định về trình tự, thủ tục và thành phần hồ sơ liên quan đến việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản còn rườm rà, tốn nhiều thời gian của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân nhất là đối với loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong khi nhu cầu đất đá san lấp phục vụ cho các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm là cấp thiết.
Nhất là hiện nay nguồn vật liệu xây dựng phục vụ Dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn qua địa phận tỉnh cũng đang gặp khó bởi các quy định có nhiều bất cập và chưa đảm bảo cơ sở để hướng dẫn các nhà thầu triển khai lập đầy đủ các hồ sơ, thủ tục cho phép khai thác các mỏ vật liệu phục vụ dự án theo quy định; đặc biệt nội dung có yêu cầu nhà thầu thực hiện thủ tục “cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng” và “thực hiện đánh giá tác động môi trường” trước khi khai thác mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường, các thủ tục về đất đai (nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh) để đưa mỏ vào khai thác và “thực hiện đóng của mỏ” sau khi đã khai thác khoáng sản đủ khối lượng cung cấp cho Dự án theo quy định.
Ngoài ra, một số quy định của Luật cũng không còn phù hợp với thực tế, gây khó khăn trong thực hiện như: Kiểm soát sản lượng khai thác khoáng sản theo từng giấy phép khai thác khoáng sản; Phân cấp, phân quyền trong quản lý hoạt động địa chất, khoáng sản; - Quy định thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản quy mô rất nhỏ (đá chẻ, đất sét) chưa hợp lý và chưa bảo đảm công khai, minh bạch. Quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản chưa chặt chẽ nhằm bảo đảm khoáng sản được khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường, theo mô hình “kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”…
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng Phòng TN&MT huyện Bình Sơn: Cần chặt chẽ hơn khi gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với địa phương
Hiện nay trên địa bàn huyện có 20 mỏ khoáng sản đã được UBND tỉnh cấp giấy phép, phân bố trải đều ở các địa phương. Luật Khoáng sản ra đời đã tạo công cụ quản lý, là pháp lý để các cơ quan nhà nước cụ thể hóa nhiệm vụ quản lý tài nguyên khoáng sản một cách hiệu quả, tiết kiệm và bền vững trên địa bàn. Tuy nhiên, Luật Khoáng sản 2010 sau thời gian dài thực hiện đã bộc lộ nhiều điểm không phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Chẳng hạn như Luật Khoáng sản năm 2010 quy định rõ các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn có trách nhiệm hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác theo quy định của pháp luật; kết hợp khai thác với xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, phục hồi môi trường theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản; nếu gây thiệt hại đến hạ tầng kỹ thuật, công trình, tài sản khác thì tùy theo mức độ thiệt hại phải có trách nhiệm sửa chữa, duy tu, xây dựng mới hoặc bồi thường theo quy định của pháp luật;…
Tuy nhiên, thực tế số lượng các doanh nghiệp khai thác khoáng sản quan tâm hỗ trợ người dân và địa phương nơi có khoáng sản được khai thác còn khiêm tốn, ngoài ra còn một số khó khăn vướng mắc cần bổ sung, sửa đổi như chưa có quy định cụ thể việc liên doanh, liên kết trong hoạt động khai thác khoáng sản để gắn trách nhiệm của các bên liên quan trong hoạt động khoáng sản để phù hợp, đồng bộ với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Đồng thời, cũng chưa có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vốn, công nghệ, thiết bị tiên tiến để thu hồi tối đa, sử dụng tổng hợp, hợp lý, tiết kiệm khoáng sản; chưa có quy định cụ thể về mức độ chế biến sâu; chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ chất lượng công tác thăm dò, đảm bảo tính chính xác của kết quả thăm dò.
Ông Phan Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Bình Đông (huyện Bình Sơn): Phải đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, địa phương và người dân
Bình Đông là một trong những xã của huyện Bình Sơn có nhiều mỏ đá đang hoạt động. Thời gian qua, công tác quy hoạch vị trí khai thác khoáng sản vẫn còn điều chỉnh, chưa phù hợp với quy hoạch chung của Khu kinh tế, chưa bổ sung trong kế hoạch sử dụng đất; do tình trạng các mỏ khai thác khoáng sản (đá) trong thời gian qua thường xuyên có sự thay đổi về đơn vị trực tiếp khai thác, sử dụng nên việc nắm bắt thông tin và thiết lập mối liên hệ của địa phương với một vài doanh nghiệp chưa kịp thời. Bên cạnh những doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn đã kịp thời chủ động phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết tốt những phát sinh, vướng mắc trong quá trình khai thác thì vẫn còn một số doanh nghiệp chưa có nhiều đóng góp cho các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương cũng như các phong trào do địa phương kêu gọi.
Với thẩm quyền và trách nhiệm, trong thời gian đến, UBND xã sẽ thường xuyên theo dõi quá trình hoạt động khai thác của các doanh nghiệp nhất là vấn đề đảm bảo môi trường, việc ảnh hưởng đến sản xuất, giao thông đi lại của người dân, vấn đề đảm bảo an toàn về nổ mìn; tiếp tục giữ mối liên hệ phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác theo chức năng, thẩm quyền. Đồng thời kêu gọi duy trì sự ủng hộ, chung tay của các doanh nghiệp trong thực hiện các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương. Mục tiêu là đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, địa phương và người dân trên địa bàn.