Khoáng sản

Quảng Ngãi sau 13 thực hiện Luật Khoáng sản 2010: Cần thiết sửa đổi, bổ sung để thúc đẩy phát triển bền vững

Võ Hà - Lan Anh 01/11/2023 - 13:00

Luật Khoáng sản 2010 ra đời và có hiệu lực thi hành đã giúp tỉnh Quảng Ngãi thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, nhiều quy định của Luật Khoáng sản 2010 hiện nay đã không còn phù hợp, là vướng mắc để triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả.

Kỳ 1: Luật Khoáng sản 2010 là công cụ đắc lực nâng hiệu lực, hiệu quả quản lý khoáng sản

(TN&MT)- Sau 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản, Quảng Ngãi đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đưa hoạt động khai thác khoáng sản dần đi vào quy củ, tăng nguồn thu cho ngân sách và đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình trọng điểm.

Từ tự phát đến khuôn khổ

Theo ông Nguyễn Đức Trung, Quyền Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi, trên địa bàn tỉnh chủ yếu phát triển các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, cung cấp cho xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng. Hoạt động khai thác khoáng sản từ lâu đã được đánh giá là một trong những nguồn lực đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế và xã hội của địa phương.

khoangsan1.jpg
Khai thác cát trên sông Trà Khúc

Trước thời gian Luật Khoáng sản 2010 ra đời, các hoạt động khai thác khoáng sản còn mang tính chất tự phát và gần như không có sự quản lý thống nhất, đặc biệt nhiều nơi còn coi khoáng sản là tài sản riêng của địa phương, việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chủ yếu dưới hình thức thủ công, tự phát.

Từ khi Luật Khoáng sản 2010 ra đời và có hiệu lực từ tháng 7/2011, thay thế Luật Khoáng sản năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản năm 2005 đã có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung mới mang tính cơ bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về khoáng sản. Từ đó, công tác quản lý khoáng sản đã có nhiều chuyển biến tích cực, công tác quy hoạch khoáng sản được bổ sung kịp thời, đúng luật định. Cùng với đó, vấn đề tham mưu cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản và cấp phép khai thác khoáng sản được thực hiện theo quy hoạch, trình tự và thủ tục đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Luật Khoáng sản.

anh-4.jpg
Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng về khoáng sản VLXD

Đặc biệt, đã gắn hoạt động khai thác với địa chỉ sử dụng, chế biến khoáng sản, bảo vệ môi trường, cảnh quan du lịch, bảo tồn thiên nhiên, di sản địa chất và quốc phòng - an ninh. Góp phần quan trọng vào hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước hằng năm, kịp thời cung cấp nguồn vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công các công trình, dự án và nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong việc phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội của địa phương.

Khai thác giá trị nguồn lực

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có nhiều dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án cao tốc đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp khai thác hiệu quả tài nguyên khoáng sản, nhằm đảm bảo cung cấp vật liệu cho việc thi công dự án đúng tiến độ.

taidinhcu4.jpg
Quảng Ngãi xác định đảm bảo nguồn VLXD phục vụ tiến độ thi công cao tốc Bắc - Nam là nhiệm vụ chính trị quan trọng

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với Ban Quản lý dự án 2 (thuộc Bộ Giao thông vận tải) rà soát các khu vực mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (mỏ đất, đá và mỏ cát) trên địa bàn tỉnh để chuẩn bị cho thi công tuyến chính và các Khu tái định cư, Khu cải táng mồ mả thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Tháng 11/2022, tỉnh Quảng Ngãi đã công bố các mỏ vật liệu xây dựng thông thường để chuẩn bị cho thi công Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, theo đó khối lượng khoáng sản phục vụ thi công dự án đã được quy hoạch nhiều hơn so với nhu cầu để dự phòng.

Như vậy, cơ bản khối lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để chuẩn bị cho thi công Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi đã đảm bảo theo chỉ đạo của Chính phủ. Cụ thể, đất san lấp được quy hoạch 14.043.666m3 (nhu cầu 8.200.000m3); đá được quy hoạch 35.802.058m3 (nhu cầu 2.000.000m3) và cát được quy hoạch 2.140.213m3 (nhu cầu 1.000.000m3). Hiện nay, đã có 10 mỏ đá và 15 mỏ đất san lấp nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp phép. Đối với vật liệu cát, có 5/7 mỏ được tổ chức đấu giá quyền khai thác, trong đó 3 mỏ đã được cấp phép và 2 mỏ đang hoàn thiện thủ tục trình cấp phép.

Liên quan đến thủ tục khai thác các mỏ khoáng sản phục vụ Dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn qua địa phận tỉnh, Sở TN&MT cho biết vẫn còn nhiều bất cập và chưa đảm bảo cơ sở để hướng dẫn các nhà thầu triển khai lập đầy đủ các hồ sơ, thủ tục cho phép khai thác mỏ đặc biệt nội dung có yêu cầu nhà thầu thực hiện thủ tục “cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng” và “thực hiện đánh giá tác động môi trường” trước khi khai thác mỏ, các thủ tục về đất đai (nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh) để đưa mỏ vào khai thác và “thực hiện đóng của mỏ” sau khi đã khai thác khoáng sản đủ khối lượng cung cấp cho Dự án theo quy định

Hiện, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 34 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường đang hoạt động với tổng trữ lượng đã cấp 77.017.693m3; 05 mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng trữ lượng đã cấp 1.497.068m3; 42 mỏ đất, cát đồi làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng trữ lượng đã cấp 12.438.105m3. Ngoài ra, đã cấp phép 12 khu vực trong các dự án đầu tư xây dựng công trình, dự án với tổng trữ lượng đã cấp là 5.557.021m3.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi sau 13 thực hiện Luật Khoáng sản 2010: Cần thiết sửa đổi, bổ sung để thúc đẩy phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO