Huyện Nghĩa Hành được xem là vùng trồng cây ăn quả lớn của tỉnh Quảng Ngãi. Nhiều gia đình giàu lên nhờ trồng cây ăn quả với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Vậy mà về miệt vườn xã Hành Nhân, xã Nghĩa Hành những ngày này là các vườn cây trụi lá, xác xơ, héo rũ. Những cây chôm chôm, sầu riêng cây bật gốc chết khô, ngổn ngang. Siêu bão số 9 khiến người trồng cây ăn quả ở đây điêu đứng.
Thủ phủ cây ăn trái Nghĩa Hành ngổn ngang sau bão lũ dồn dập |
Là một trong những hộ dân chịu thiệt hại nặng nề sau bão, ông Nguyễn Văn Nam, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành cho biết, vườn cây có 100 gốc cam sành đang cho quả đợt đầu, còn 140 gốc sầu riêng chỉ cần một năm nữa sẽ cho quả, cũng là hy vọng hái ra tiền. Nhưng giờ đây, vườn cây ăn quả này, đã tan tác, ngã đổ sau bão số 9.
Những cây sầu riêng đã bật gốc rồi, dù có chống đỡ để gượng dậy nhưng sẽ không cho quả nữa. Dù rất muốn khôi phục vườn cây nhưng ông Nam không biết bắt đầu từ đâu, bởi vườn cây đã ngã đổ, bật gốc, không đốn đi thì để cũng vô ích, trong khi số tiền dành dụm suốt mấy năm qua đã hết sạch.
“Nhà cửa dù hư hỏng cũng vài ngày là sửa được chứ cây đã gãy đổ thì phải mất gần 5 năm mới có thể phục hồi. Bây giờ chỉ biết kêu trời, trồng lại cũng rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Hy vọng nhà nước sẽ có những hỗ trợ giúp người dân khắc phục hậu quả sau bão lũ.” – ông Nam buồn rầu.
Các nhà ông Nam không xa, anh Nguyễn Đức Hiền, xã Hành Nhân đến giờ lòng vẫn nặng trĩu cho biết, vườn cây ăn trái với 53 cây sầu riêng, 20 cây mít Thái là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình. Vậy mà bão số 9 đã cuốn đi tất cả. Để vơi đi nỗi buồn, gần nửa tháng qua, anh vẫn gắng gượng gầy lại vườn cây.
“Thôi thì trồng lại chứ biết làm sao. Bây giờ, cây trốc gốc thì nhổ, cây ngã thì chống trở lại, cây bị gãy ngọn thì cưa rồi bôi hóa chất. Ngoài ra, phải xới đất, bón thêm vôi, nhưng vẫn có nhiều cây bị héo rũ”, anh Hiền cho biết.
Người dân gắng gượng dọn dẹp những cây gãy đổ, với hi vọng vớt vát được chừng nào hay chừng đó. |
Các nhà vườn cũng phản ánh, hiện việc khôi phục vườn cây ăn trái, nhất là những cây trồng di thực từ các tỉnh miền Nam trở về ở huyện Nghĩa Hành đang gặp khó khăn. Do đó, ngoài kinh nghiệm và kiến thức, người dân đang cần sự hỗ trợ của ngành chuyên môn để giúp bà con sớm phục hồi lại vườn sau bão.
Theo thống kê của UBND huyện Nghĩa Hành, bão số 9 và những trận mưa lớn vừa qua làm hơn 350 trong tổng số 500 ha cây ăn quả bị đổ ngã, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách trắng tay. Riêng tại xã Hành Nhân là nơi có diện tích trồng lớn nhất trong huyện có đến 70% bị thiệt hại, tổn thất ước tính hơn 80 tỷ đồng.
Ông Đinh Xuân Sâm - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành, cho biết, hầu hết hộ dân trồng cây ăn quả tại huyện này vẫn chưa thể gượng dậy sau bão số 9. Địa phương đã cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân phục hồi các vườn cây ăn quả còn lại.
"Ngoài những thiệt hại về nhà ở và trường học thì Nghĩa Hành có vùng chuyên canh cây ăn quả thiệt hại nặng nề như vùng chuyên canh chuối ngự, chôm chôm, sầu riêng thiệt hại nhiều. Bên cạnh đó, diện tích keo cũng thiệt hại rất lớn. Kinh phí để hỗ trợ người dân rất lớn, trong khả năng của huyện chắc chắn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi tổng hợp báo cáo lên tỉnh và và kiến nghị để tỉnh có sự hỗ trợ kịp thời cho bà con", ông Đinh Xuân Sâm nói.
Bão số 9 càn quét, đổ bộ trực tiếp vào Quảng Ngãi khiến người dân sản xuất nông, lâm nghiệp rơi vào khó khăn. Hơn bao giờ hết, người dân rất mong các ngành chức năng sớm có chính sách hỗ trợ người dân ổn định đời sống, khôi phục sản xuất sau bão.