Lấn sông làm nhà hàng
Tại sông Trà Bồng, đoạn qua thôn Tân Hy 1 và Tân Hy 2 (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn), hàng chục nhà bè được xây dựng bằng các thùng phuy kết lại với nhau, bên trên lót sàn gỗ, mái lợp tôn... Mỗi quán nổi có diện tích hàng chục, thậm chí đến hàng trăm mét vuông. Có quán nằm ngay sát chân cầu Trà Bồng, chủ quán đã đổ lượng lớn đất, đá cơi nới, lấp lòng sông tạo mặt bằng để xây nhà cấp 4, xây ao và lối đi…
Nhà hàng bè nổi trái phép trên sông Trà Bồng tồn tại dai dẳng nhiều năm nay |
Ông Bùi Văn Mười, Trưởng thôn Tân Hy 2, xã Bình Đông cho biết, các bè nổi này xuất hiện đã khá lâu. Vào thời điểm không có dịch Covid-19, các bè đều rất đông khách.
“Cách đây 4 năm chỉ có vài nhà bè nổi bán cà phê, nhưng sau đó thấy buôn bán được nên nhiều quán mọc lên kinh doanh dịch vụ ăn uống. Biết là xây dựng trái phép nhưng nhiều hộ bỏ tiền 400 - 500 triệu xây dựng nhà hàng nổi ở ven sông này để mưu sinh” - ông Mười nói.
Chủ quán còn ngang nhiên nới, lấp lòng sông tạo mặt bằng để xây nhà cấp 4, xây ao và lối đi… |
Vì xây dựng trái phép nên hầu như các nhà hàng nổi đều thiết kế rất sơ sài, không có hệ thống xử lý nước thải mà xả trực tiếp xuống sông, gây ô nhiễm nguồn nước. Thậm chí nhiều thực khách còn tiện tay vứt luôn rác, thức ăn xuống sông rồi chúng lại theo con nước tấp vào bờ.
Khó xử lý?
Ông Nguyễn Văn Cảm, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho biết, các nhà bè nổi kinh doanh ăn uống trên sông Trà Bồng đều tự phát. “Xuất phát từ việc người dân thiếu đất sản xuất nên sử dụng mặt nước để kinh doanh buôn bán. Chính quyền địa phương đã đến vận động, nhắc nhở, lập biên bản xử lý hành chính, buộc tháo dỡ. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh xây dựng nhà bè nổi lén lút vào ngày nghỉ, giờ nghỉ nên rất khó kiểm soát và xử lý” - ông Cảm cho biết.
Các nhà hàng nổi trên sông gây ảnh hưởng hành lang thoát lũ và gây ô nhiễm môi trường |
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện trên sông Trà Bồng khu vực cầu Trà Bồng 2, thuộc thôn Tân Hy, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn hiện có 13 nhà bè nổi kinh doanh dịch vụ ăn uống. Người dân sống ở khu vực này phản ánh, tình trạng này diễn ra khá ngang nhiên, rầm rộ nhưng không hiểu vì lý do gì mà những công trình trái phép này vẫn tồn tại trong thời gian dài.
Ông Ngô Văn Dụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết, từ khi Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất vào đầu tư xây dựng tại xã Bình Đông dẫn đến số lượng người đến tạm trú, sinh sống và làm việc tăng lên đột biến, kéo theo nhu cầu về ăn uống. Chính vì vậy, một số người dân tự ý đầu tư, xây dựng các nhà bè nổi ven sông Trà Bồng để kinh doanh dịch vụ ăn uống. Thời điểm đó, cơ quan chức năng đã có kiểm tra nhưng chưa xử lý.
Thực trạng này đã tồn tại nhiều năm nhưng không có giải pháp xử lý dứt điểm |
“Trước mắt, UBND huyện chỉ đạo UBND xã Bình Đông tiến hành lập biên bản những trường hợp vi phạm. Địa phương cũng đề nghị các sở, ngành của tỉnh có liên quan hỗ trợ về chuyên môn để địa phương có cơ sở phối hợp giải quyết dứt điểm vì cũng liên quan đến vấn đề mưu sinh của người dân” - ông Dụng cho biết.
Hoạt động kinh doanh trên nhà hàng nổi tồn tại nhiều bất cập do không an toàn, không đăng ký, đăng kiểm, nguy cơ mất an toàn đối với khách nhất là trong mùa mưa lũ và gây ô nhiễm môi trường. Tỉnh Quảng Ngãi cần sớm vào cuộc tuyên truyền, kiểm tra, kiên quyết xử lý, buộc tháo dỡ đối với những nhà hàng bè nổi không đảm bảo an toàn, tồn tại dai dẳng trong nhiều năm qua.