Trao đổi với phóng viên Báo TNMT, ông Nguyễn Văn Nhịp, trú tại xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi cho biết: tối ngày 11/4/2018 là chuyến ra khơi đầu tiên của tàu cá mang số hiệu QNg 97507- TS do ông làm chủ. Nguyên nhân của sự chậm trễ là do thiếu hụt lao động, không tìm được người nên chiếc thuyền trị giá hơn 5 tỉ đồng của ông đành để không nhiều tháng liền.
Theo ông Nhịp, việc thiếu hụt lao động nghề biển đã phát sinh rất nhiều hệ lụy: đơn cử nhu hồi giữa tháng 3/2018, 2 tàu cá mang số hiệu QNg 93839- TS và QNg 92450- TS do ông Dương Minh Tiến (cùng trú tại xã Nghĩa An) làm chủ đã có hành vi vi phạm khi giữ người trái pháp luật, lực lượng chức năng đã giải cứu 4 ngư dân người Bình Thuận bị tạm giữ trên tàu. Tuy nhiên, đây là việc cực chẳng đã bởi các ngư dân nói trên đã nhận trước tiền công của chủ tàu, nhưng khi ra khơi lại không chịu lao động và có ý định bỏ trốn nên chủ tàu phải giữ để đòi lại số tiền họ đã ứng trước.
Ông Lê Văn Vương, chủ tàu cá QNg 91979- TS, trú tại xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi ngao ngán: năm 2017, do không tìm được lao động, ông đã phải vào tận các vùng: Phú Yên, Khánh Hòa để tìm lao động đi biển. Tính cả các chi phí, ông đã bỏ ra gần 400 triệu đồng, trong đó có hơn 350 triệu đòng ứng trước cho các thuyền viên. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp nhận tiền rồi nhưng không đi làm, một số đi làm được vài phiên rồi lại nghỉ giữa chừng , số tiền họ đã ứng trước đòi lại rất khó. Do thiếu lao động, từ sau tết Mậu Tuất đến nay, tàu ông vẫn chưa thể ra khơi được.
Anh Đỗ Dương Trường 46 tuổi, trú tại xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, thuyền viên tàu cá QNg 97508- TS cho biết: Mỗi chuyến đi biển thường kéo dài khoảng 18- 20 ngày, thu nhập bình quân mỗi chuyến chỉ khoảng 5- 6 triệu đồng, vì vậy, hầu hết lớp trẻ hiện nay đều không mặn mà với nghề đi biển mà sẽ chọn đi làm tại các khu công nghiệp hoặc xuất khẩu lao động. Lớp người gắn bó với nghề thì lại tuổi cao, sức yếu, không theo được nghề.
Anh Nguyễn Văn Dũng, thuyền viên tàu QNg 97507- TS còn cho biết thêm: không chỉ không gắn bó với nghề, lớp trẻ hiện nay cũng có nhiều người dính vào các tệ nạn xã hội. Thuyền cá của em gái anh đã có lần thuê phải 3 người nghiện ma túy. Họ đem cần sa, ma túy đá lên tàu sử dụng, khi ra khơi không làm được việc, lại dễ gây nguy hiểm cho bản thân khi sử dụng các loại ma túy gây ảo giác. Gặp những trường hợp này, chủ tàu không còn cách nào khác là phải quay vào bờ, mỗi lần như vậy rất tốn kém.
Theo ông Phùng Đình Toàn, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi: nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt lao động đi biển là do lượng tàu thuyền trên địa bàn phát triển nhanh, trong khi nghề đi biển lại không được lớp trẻ mặn mà do vất vả mà thu nhập lại thấp. Để giải quyết bài toán cân đối cung- cầu nghề biển, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo cho các tỉnh kiểm soát chặt chẽ việc phát triển thêm tàu mới. Dù vậy, đến nay, tại Quảng Ngãi vẫn chưa có bất cứ văn bản nào liên quan đến việc quy định, khống chế số tàu được đóng mới hàng năm. Vì vậy, giải pháp thiết thực nhất hiện nay là cần có quy định về số lượng tàu đóng mới, ưu tiên phát triển các tàu có công suất lớn, đánh bắt xa bờ và tiến tới giảm dần các tàu công suất nhỏ đánh bắt ven bờ để đảm bảo nguồn lợi thủy sản và cân đối giữa lao động nghề biển phù hợp với số lượng tàu thuyền.