Trong những ngày đầu tháng 10/2018, hàng chục hộ dân của 3 xã Bình Thạnh, Bình Đông và Bình Thuận của huyện Bình Sơn nuôi cá lồng bè tại khu kinh tế Dung Quất đã bị chết bất thường với tổng số gần 700 lồng. Cá chết đã thả nuôi được khoảng 6-8 tháng, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Người dân bức xúc, phản ứng gay gắt vì cho rằng nguyên nhân cá chết là từ các hoạt động nạo vét cảng.
Ngay sau khi có hiện tượng cá chết, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành lấy mẫu nước xét nghiệm tại tầng mặt và đáy, cách khu vực bè nuôi cá của người dân khoảng 400m về hướng Bắc; khu vực đang hút cát gần bờ, cách bè nuôi 600m về hướng Tây Bắc; khu vực hút cát cách khu vực bè nuôi 500m về hướng Tây, là các điểm nghi ngờ có khả năng gây ảnh hưởng đến các lồng nuôi cá của người dân.
Theo kết quả giám định của Trung tâm Kỹ thuật quan trắc môi trường, tất cả các mẫu nước khi được xét nghiệm đều nằm trong quy chuẩn môi trường cho phép. Môi trường nước không bị ô nhiễm. Chi cục Thú y vùng IV cũng đã phân tích, xét nghiệm Betanodavirus gây bệnh hoại tử thần kinh (VNN), kết quả mẫu cá âm tính với vi rút gây bệnh hoại tử thần kinh.
Lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Bình Sơn khẳng định: “Theo kết quả xét nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật quan trắc môi trường thì, nguyên nhân cá chết không phải do ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động công nghiệp trong khu vực gây ra. Hoạt động hút cát nạo vét cảng nước sâu của Nhà máy thép Hòa Phát chỉ gây xáo trộn cục bộ, không ảnh hưởng đến khu vực bè nuôi. Khu vực bè nuôi cũng không bị ô nhiễm nguồn nước, chỉ có tầng đáy khuẩn coli biến thiên nhẹ do hoạt động nuôi cá gây nên”.
Liên quan đến vấn đề cá chết, ông Đing Văn Chung, PGĐ Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất cho PV Báo TN&MT biết: Hiện Nhà máy vẫn đang trong quá trình xây dựng chưa có hoạt động sản xuất. Đối với hoạt động nạo vét cảng nước sâu của công ty đã thực hiện được hơn một năm nay, nhưng không có hiện tượng cá chết như thế này, cát nạo vét tại khu vực xây dựng cảng của công ty là cát sạch không có bùn, tầng thứ dưới là một lớp đất sét mịn, sau đó đến lớp đá, cát ở đây thậm chí có thể xuất khẩu được nên khó có thể gây ô nhiễm môi trường nước đến mức độ cá chết như vậy. Ông Chung cũng cho rằng, nguyên nhân cá chết có thể là do người dân di chuyển lồng bè nuôi từ nơi khác về để tránh trú trong mùa mưa bão dẫn đến việc thay đổi môi trường nước đột ngột khiến cá chết.
Ông Trần Văn Xuân, Chánh văn phòng UBND huyện Bình Sơn cho biết: khu vực xã Bình Thạnh nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp không cho phép người dân nuôi trồng thủy sản; chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần nhắc nhở, vận động, đồng thời đưa ra khuyến cáo nhưng người dân vẫn cố tình nuôi. Tuy nhiên, trước những thiệt hại của người dân, chính quyền địa phương cũng đang khẩn trương xây dựng phương án hỗ trợ để hạn chế tối đa tổn thất cho người dân. Trước đó, chính quyền huyện Bình Sơn cũng đã xây dựng phương án hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho các hộ dân nuôi cá trong khu vực đã quy hoạch trình lên UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Hiện, huyện Bình Sơn cũng đã kêu gọi một số doanh nghiệp, công ty trên địa bàn huyện Bình Sơn thu mua số cá bớp còn tồn trong kho đông lạnh nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Đối với số cá còn sống dưới lồng bè, nếu người dân muốn duy trì nuôi thì phải đề xuất địa điểm mà người dân cho rằng không bị ô nhiễm và di chuyển lồng bè tới đó, vì đây là khu vực quy hoạch hoạt động công nghiệp không được phép nuôi, đồng thời cam kết không tiếp tục nuôi cá lồng bè trong khu vực này.