Quảng Ngãi: Cảnh báo người dân không được vứt xác lợn nhiễm dịch bệnh xuống sông, kênh

26/07/2019 18:21

(TN&MT) - Giữa lúc “cơn bão” dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang hoành hành, thì người dân ở Quảng Ngãi lại lén lút mang xác lợn (heo) chết vứt xuống sông, kênh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và có nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng.

Nguy cơ lây lan dịch trên diện rộng

Những ngày vừa qua, dọc hai bên bờ sông Thoa, đoạn qua khu dân cư số 1, xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi) xuất hiện rất nhiều xác lợn chết, được bỏ vào trong bao tải trên bờ, dưới sông, trong lùm cây bụi cỏ dưới chân cầu, bốc mùi hôi thối nồng nặc với ruồi nhặng bu bám khiến môi trường lâm vào cảnh ô nhiễm trầm trọng.

Không chỉ ảnh hưởng tới môi trường mà hiện nay DTLCP vẫn còn đang tiếp tục lây lan, diễn biến phức tạp tại địa phương, nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng là rất cao.

Ông Trần Như Sáu, một người dân địa phương cho biết: Tình trạng người dân lén lút vứt xác heo chết trên sông Thoa xuất hiện hơn một tuần nay rồi, nhưng chưa thấy ai tới thu gom. Chúng tôi lo sợ số lợn chết này bị nhiễm DTLCP. Nhiều xác lợn chết có nhiều con nặng trên cả tạ đang trong tình trạng phân hủy nặng, bốc mùi hôi thối nồng nặc không chịu nổi.

Theo ghi nhận của PV, chỉ một đoạn sông ngắn nhưng có đến vài xác lợn chết, con thì được bỏ vào trong bao tải vứt trên bờ, dưới sông, chân cầu và đang trong tình trạng phân hủy nặng, bốc mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng bâu kín, gây ô nhiễm môi trường nước trầm trọng.

Một số con lợn đã phân hủy lâu ngày, trơ trọi cả bộ xương nổi “lềnh bềnh” trên mặt nước. Đứng trên bờ sông nhìn ra thấy một số con cá đang rỉa rỉa xác heo chết ăn, một cảnh tượng thật kinh khủng.

Xác lợn nặng trên cả tạ được người dân bỏ trong bao mang ra vứt ngay trên đường, bốc mùi hôi thối nồng nặc, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Xác lợn nặng trên cả tạ được người dân bỏ trong bao mang ra vứt ngay trên đường, bốc mùi hôi thối nồng nặc, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

“Cũng có thể, một số hộ ở nơi khác bị chết một vài con, giấu dịch, ban đêm mang xác heo tới vứt nên không ai phát hiện được. Mong cấp trên tiến hành thu gom, tiêu hủy để đảm bảo môi trường, chứ không nguy cơ lây lan bệnh dịch cho các đàn gia súc khác”- ông Sáu nói.

Không chỉ dọc bờ sông Thoa, đoạn qua khu dân cư số 1, xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức xuất hiện tình trạng này mà tại tuyến kênh Thạch Nham N8, đoạn giáp ranh giữa xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) và xã Đức Hiệp (Mộ Đức) cũng xuất hiện tình trạng trên, lợn chết bị vứt xuống kênh rồi theo dòng nước chảy mắc kẹt tại nhiều cống, rãnh, bốc mùi hôi thối nồng nặc gây bức xúc cho người dân xung quanh.

“Tôi thấy heo ở trên phía trên kia trôi xuống. Đi qua đây, xác heo hôi thối chịu không nổi. Đang vụ tưới cho lúa hè thu, nước tưới cho ruộng đồng gây ô nhiễm môi trường. Mấy ngày nay, lo lắng cho cho đàn heo của mình”- bà Thỉnh, một người dân ở gần tuyến kênh N8 cảm thấy bất an.

Nghiêm cấm các hành vi vứt xác heo nhiễm bệnh xuống sông, suối, kênh

Theo quy định, khi có lợn chết, các hộ chăn nuôi phải báo ngay cho cán bộ thú y địa phương, tiến hành tiêu hủy ngay để phòng ngừa dịch bệnh lây lan. Thế nhưng, một số hộ có lợn bị chết thiếu ý thức vứt xác lợn bừa bãi khắp nơi ảnh hưởng đến môi trường sống, sinh hoạt của người dân địa phương.

Khi heo bị bệnh chết, người dân phải báo cáo với chính quyền địa phương để tiến hành thu gom, tiêu hủy theo quy định
Khi heo bị bệnh chết, người dân phải báo cáo với chính quyền địa phương để tiến hành thu gom, tiêu hủy theo quy định

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y - ông Ngô Hữu Hạ cho biết: “Thời gian qua, mặc dù cơ quan thú y, các địa phương đã liên tục tuyên truyền, nhắc nhở bà con tuyệt đối không vứt xác heo nhiễm DTLCP ra môi trường. Tuy nhiên, một số người dân lại thiếu ý thức ngang nhiên vứt xác heo chết ra kênh, sông, làm ô nhiễm nguồn nước tưới tiêu nghiêm trọng, và có thể lây lan dịch trên diện rộng. Những trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y”.

Hiện tại, chi cục đã làm việc với huyện Nghĩa Hành và Mộ Đức, đã chỉ đạo nhân viên thú y, các xã tiến hành thu gom, đào sâu xử lý hóa chất, chôn lấp tại chỗ, không di chuyển đi xa để giảm phát tán dịch bệnh ra môi trường.

Việc heo bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi bị tiêu hủy, nhà nước sẽ hỗ trợ cho hộ chăn nuôi, từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Ngành thú y cũng khuyến cáo người dân không tái đàn vào thời điểm này, cố gắng giữ ổn định đàn nái.

Quảng Ngãi hiện có tổng đàn 431.000 con lợn, trong đó 34 trang trại chăn nuôi hàng nghìn con. Lo ngại nhất hiện nay là dịch tả lợn nguy cơ lan khu vực chăn nuôi trang trại và chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân khó kiểm soát ngăn chặn. Hiện ngành chức năng địa phương tiếp tục kiểm soát, ngăn chặn nguồn bệnh và thu gom xử lý số lợn trên sông, kênh mương.

Được biết, thời gian qua trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ngãi có 8 huyện xuất hiện DTLCP gồm; Bình Sơn, Tư Nghĩa, Trà Bồng, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Tây Trà, Sơn Tây với 372 hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng. Tổng đàn lợn mắc bệnh lên tới gần 3.000 con; buộc tiêu hủy 2.985 con với tổng trọng lượng hơn 140 tấn. Hiện Chi cục đã cho các huyện, thành phố ứng 13.000 lít hóa chất để tập trung xử lý vùng dịch, xử lý môi trường nước, ngăn dịch lây lan trên diện rộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Cảnh báo người dân không được vứt xác lợn nhiễm dịch bệnh xuống sông, kênh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO