Nhà dân sát nhà máy
Tháng 6/2012, Nhà máy nghiền xi măng Đại Việt- Dung Quất (xi măng Đại Việt) đi vào hoạt động cũng là thời điểm người dân xã Bình Đông, huyện Bình Sơn bắt đầu bị ám ảnh bởi khói bụi và tiếng ồn. Do quá gần khu dân cư nên ngày ngày nhà cửa, cây cối của người dân bị phủ lớp lớp bụi trắng xóa; tiếng ồn thì dội vào tai, ngày đêm, người già, trẻ nhỏ đều bị các bệnh về hô hấp. Không thể chịu đựng nổi ô nhiễm người dân Bình Đông, huyện Bình Sơn đã dựng lều, lán trại ngay trước cổng ra vào của Nhà máy để phản đối.
Ông Lưu Vũ Cầm, Giám đốc Công ty CP xi măng miền Trung (tiền thân là Công ty Công ty CP Xây dựng, Vật liệu và Đầu tư Đại Việt) - chủ đầu tư cho biết, nhà máy được UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận vị trí xây theo đề nghị của Ban quản lý KKT Dung Quất. Mặc dù được xây dựng trong khu vực sản xuất vật liệu xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2007, nhưng hiện tại, vẫn còn khoảng 2000 hộ dân thuộc hai thôn Tây Hy và Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn đang sinh sống cạnh nhà máy.
Ông Nguyễn Thành Phương, người dân thôn Sơn Trà, sống ngay cạnh nhà máy xi măng Đại Việt than phiền: Lẽ ra chính quyền tỉnh phải tổ chức di dời dân trước khi cấp đất xây dựng nhà máy. Chứ cứ để nhà máy nằm cạnh khu dân cư làm sao dân sống được. Bức xúc mà không biết bấu víu vào đâu, người dân mới đành lòng tụ tập ngăn cản nhà máy xi măng hoạt động, với mong muốn là chính quyền quan tâm, giải quyết.
“Hoặc là cho di dời dân, hoặc phải di dời nhà máy. Mà hiện tại di dời dân là cách duy nhất, vì các công trình, nhà xưởng, khu sản xuất của khu liên hợp gang thép Hòa Phát - Dung Quất đang xây dựng rầm rộ, chỉ cách nhà dân vài chục mét”- ông Phương cho hay.
Lý giải việc khu dân cư sát với nhà máy, ông Nguyễn Thanh Vũ, Chủ tịch UBND xã Bình Đông (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, năm 2012, nhà máy xi măng Đại Việt đi vào hoạt động, thì đồng thời tập đoàn Sembcorp của Singapore triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Semcorp Dung Quất tại xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, sau khi khảo sát, tiến hành áp giá đền bù để chuẩn bị di dời dân, thì nhà máy dừng triển khai. Người dân trước đó đã chuẩn bị giải tỏa di dời, bỗng nhiên bị hủy bỏ, phải sống chung với khói, bụi, tiếng ồn… do sản xuất công nghiệp, vật liệu xây dựng.
Không có kinh phí để di dời
Từ đầu năm 2018 đến nay, đã ba lần Văn phòng Chính phủ có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi, yêu cầu sớm giải quyết các vấn đề liên quan để nhà máy xi măng Đại Việt hoạt động trở lại theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.
Công văn số 45/TB-VPCP ngày 31/1/2018 nêu rõ: Khi quy hoạch, phê duyệt dự án đầu tư của doanh nghiệp, UBND tỉnh Quảng Ngãi chưa đánh giá hết ảnh hưởng về môi trường khi có khu dân cư tồn tại trong Khu công nghiệp Dung Quất; các Sở, ngành liên quan của tỉnh chưa kịp thời tham mưu, đề xuất để có phương án phù hợp theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005. Để giải quyết dứt điểm kiến nghị của các hộ dân đang sinh sống trong khu công nghiệp và đảm bảo đời sống ốn định, lâu dài của nhân dân, không bị ảnh hưởng bởi khu công nghiệp, cần có giải pháp trước mắt cũng như lâu dài, không chỉ riêng đối với Nhà máy xi măng Đại Việt, mà còn các nhà máy khác, nên cần được xử lý tổng thể vấn đề về an toàn môi trường đối với các nhà máy đang hoạt động trong khu vực. Về lâu dài, cần thực hiện di dời các hộ dân đển nơi ở mới theo quy hoạch…
Tiếp nhận công văn, Công ty CP Xi măng Miền Trung đã sớm tiến hành các giải pháp khắc phục, cải tiến thiết bị, nâng cấp công nghệ xử lý môi trường tại Nhà máy Xi măng Đại Việt Dung Quất, đảm bảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghìệp sản xuất xi măng QCVN 23: 2009/BTNMT và các quy đinh pháp luật có liên quan; chuẩn bị chạy thử hệ thống để thực hiện quan trắc môi trường, kiểm tra và công khai kết quả cho nhân dân, làm cơ sở đó đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường để nhà máy hoạt động. Tuy nhiên, có xe chở nguyên vật liệu ra vào nhà máy là lập tức người dân lập rào chắn ngay trước cổng khiến nhà máy không thể hoạt động để tiến hành quan trắc về môi trường.
Ông Nguyễn Đăng Lộc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ngãi cho rằng: Muốn người dân đồng thuận, nhà máy hoạt động trở lại, cách tốt nhất là di dời dân ra khỏi khu vực đã quy hoạch khu công nghiệp, nhưng 2000 hộ, tối thiểu cũng phải mất 1000 tỷ đồng, tỉnh không biết kiếm đâu ra.
Mới đây, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ngãi năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Quảng Ngãi cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; cải thiện các thủ tục hành chính… tạo môi trường đầu tư tốt nhất để thu hút mạnh mẽ hơn nữa các nhà đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng sau đó nói: “Với cam kết xem thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh Quảng Ngãi, các cấp ngành địa phương sẽ luôn luôn đồng hành cùng nhà đầu tư”. Một số ý kiến cho hay rất trông đợi những động thái thực hiện lời hứa của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trước Thủ tướng, trước nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân.