(TN&MT) - Thời gian qua, công tác bảo vệ đa dạng đa dạng sinh học, phát triển các hệ sinh thái vùng biển ven bờ được tỉnh Quảng Ngãi chú trọng, trong đó địa phương tập trung các giải pháp trong bảo vệ hệ sinh thái san hô, rừng ngập mặn cũng như các khu vực đầm phá ven biển gắn với xây dựng sinh kế bền vững cho người dân.
Bảo vệ môi trường biển
Quảng Ngãi là địa phương có lợi thế phát triển kinh tế biển với đường bờ biển dài hơn 130km, song những năm gần đây, sinh kế của người dân ven biển gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường ven biển và đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản dần giảm sút. Trước thực trạng này, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường biển và nguồn lợi thuỷ sản ven bờ.
Điển hình như tại thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn đã thành lập tổ tự quản bảo vệ tài nguyên và môi trường biển. Qua đó, thành viên tổ tự quản vừa giám sát, vừa tuyên truyền, vận động người dân cùng bảo vệ, có ý thức trong khai thác rong mơ và các nguồn lợi từ biển khác. Tiếp sau đó, mô hình này tiếp tục nhân rộng sang xã Bình Hải, một địa phương ven biển khác của huyện Bình Sơn.
Tại xã Bình Hải, từ năm 2016 đến nay, 5 tổ tự quản bảo vệ tài nguyên và môi trường biển tại 5 thôn Phước Thiện 1, Phước Thiện 2, Phước Thiện, An Cường và Thanh Thủy đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong tuần tra, nhắc nhở người dân bảo vệ đá san hô, đá đen, rong mơ, cát biển. Nhờ vậy, những mảng rong mơ dọc theo bờ biển Bình Sơn phát triển tốt, thu hút nhiều loài hải sản đến sinh sống và sinh sản, góp phần phục hồi hệ sinh thái biển ven bờ.
Cùng với việc bảo vệ hệ sinh thái biển, công tác tái tạo nguồn lợi thuỷ sản cũng được tỉnh Quảng Ngãi chú trọng. Theo bà Đỗ Thị Thu Đông- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, muốn phát triển bền vững sinh kế biển, phải bảo vệ được đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản. Mỗi năm, ngành thuỷ sản tỉnh đều tổ chức các đợt thả cá, tôm cua ở rừng ngập mặn và hồ, biển để tái tạo nguồn lợi. Vào tháng 4/2022, Chi cục đã thả hơn 500.000 tôm sú, 6.000 cua xanh và 5.000 cá đối xuống khu vực mặt nước thuộc Bàu Cá Cái nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Hiện nay, đầm nước mặn vùng cửa sông ven biển Bàu Cá Cái, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn cũng đang được quản lý và trồng phục hồi bởi Quỹ Khí hậu xanh (GCF) phối hợp với Chính phủ Việt Nam tài trợ, được Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi thực hiện từ năm 2016 đến nay với diện tích trên 100ha.
“Cùng xây - cùng quản - cùng hưởng thụ”
Cùng tham gia bảo vệ rừng ngập mặn Bàu Cá Cái người dân ở thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn hiểu hơn ai hết về lợi ích của việc bảo vệ hệ sinh thái ven biển. Không chỉ góp phần hỗ trợ phòng chống bão, rừng ngập mặn còn đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, cho người dân thụ hưởng. Ngoài việc khai thác nguồn lợi thủy sản từ trong đầm, người dân còn bắt đầu khai thác du lịch tham quan rừng ngập mặn.
Bà Nguyễn Thị Hải, người dân ở thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn cũng cho biết: Từ khi rừng ngập mặn Bàu Cá Cái được “hồi sinh” nhiều các loại thủy sản, những đàn chim, cò, vạc cũng tấp nập kéo về đây trú ngụ. Từ năm 2019 đến nay, gia đình bà bắt đầu làm thêm dịch vụ chở khách du lịch tham quan rừng ngập mặn. Hiện, gia đình bà Hải có 3 chiếc ghe, mỗi chuyến chở 3 khách tham quan bà thu được 200.000 đồng/chuyến, 2 khách tham quan mức phí là 150.000 đồng/chuyến.
Mới đây, Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Qũy Môi trường toàn cầu và UBND huyện Bình Sơn tổ chức Lễ khởi động dự án “Sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn thông qua trao quyền cho cộng đồng bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa”. Dự án được kỳ vọng cộng đồng địa phương các xã, thị trấn đặc biệt là các thôn tham gia trực tiếp thực hiện các mô hình dự án sẽ bảo vệ môi trường và được hưởng lợi từ các hoạt động dự án, tiếp cận học tập các kỹ năng làm du lịch cộng đồng, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật thông qua hỗ trợ đào tạo huấn luyện, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Chuyên gia tư vấn dự án, PGS.TS Võ Văn Minh - Trưởng nhóm Nghiên cứu và Giảng dạy Môi trường và Tài nguyên sinh vật, Đại học Sư Phạm Đà Nẵng chia sẻ, kết quả những nghiên cứu gần đây đã cho thấy Bình Sơn có sự hiện diện của hệ sinh thái rừng dừa nước ở xã Bình Phước và hệ sinh thái rừng cóc trắng ở xã Bình Thuận, cũng như bãi đá lộ thiên địa chất hàng triệu năm tuổi được hình thành từ phun trào núi lửa, kèm với các sinh cảnh rạn san hô, thảm cỏ biển tạo sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên và đa dạng nguồn lợi ở xã Bình Hải. Đây là những thuận lợi để tạo sinh kế bền vững nếu tài nguyên được khai thác hợp lý và bền vững.
“Một trong những cân bằng lâu bền và hiệu quả nhất là hài hòa giữa mối quan hệ bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy văn hóa truyền thống, sinh kế địa phương và phát triển kinh tế xã hội. Cộng đồng tham gia góp ý quy chế quản lý không gian biển và ven bờ Bình Sơn, bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa, chung tay góp phần phát triển bền vững địa phương”- ông Minh cho biết.