Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, đôn đốc các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn địa phương mình quản lý, đã hết thời hạn hoạt động theo Giấy phép khai thác khoáng sản được cấp mà Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã gửi Thông báo hết thời hạn khai thác khoáng sản chấp hành thực hiện việc nộp Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản về Sở TN&MT trước ngày 15/3/2023 và báo cáo việc thực hiện về UBND huyện, thị xã để theo dõi, giám sát.
Quá thời hạn nêu trên, trường hợp các đơn vị không chấp hành thực hiện thì UBND các huyện, thị xã căn cứ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, tiến hành xử phạt hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định.
Đối với các đơn vị đã được UBND tỉnh, Sở TN&MT phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản; UBND các huyện, thị xã theo dõi, giám sát, yêu cầu các đơn vị thực hiện đầy đủ khối lượng, đúng tiến độ theo Đề án đã phê duyệt. Trường hợp vi phạm thì căn cứ quy định hiện hành, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, đúng quy định.
Đối với các đơn vị khai thác khoáng sản đã giải thể, phá sản hoặc không có khả năng thực hiện Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản và các đơn vị đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng không chấp hành thực hiện việc đóng cửa mỏ khoáng sản theo yêu cầu, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã lựa chọn đơn vị có đủ năng lực kháo sát, lập, trình UBND cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và thực hiện Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản từ số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của các đơn vị đã nộp và nguồn vốn do ngân sách địa phương bố trí (đối với phần kinh phí còn thiếu).
Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm và không đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết việc cấp phép thăm dò khoáng sản, khai thác, gia hạn, chuyển nhượng giấy phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đối với các đơn vị không chấp hành thực hiện việc đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật. Đưa tiêu chí hoàn thành nghĩa vụ đóng cửa mỏ khoáng sản đối với các mỏ đã được cấp phép khai thác trước đây vào hồ sơ mời đấu giá quyền khai thác khoáng sản và tiêu chí lựa chọn đơn vị cấp phép ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Đối với các đơn vị khai thác, thu hồi khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường và đất san lấp công trình dư thừa trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh mà trước đây được UBND tỉnh cho phép không lập Phương án (Đề án) cải tạo, phục hồi môi trường thì không yêu cầu lập Đề án đóng cửa mỏ. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra hiện trạng mặt bằng của dự án và rà soát hồ sơ pháp lý có liên quan để yêu cầu chủ đầu tư dự án và các đơn vị khai thác khoáng sản thực hiện theo đúng theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt.
UBND tỉnh giao Sở TN&MT thường xuyên phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị khai thác khoáng sản đã hết thời hạn hoạt động khai thác theo Giấy phép khai thác khoáng sản được cấp lập và nộp hồ sơ Đề án đóng cửa mỏ đảm bảo thời gian quy định và giải quyết hồ sơ, thủ tục đóng cửa mỏ theo thẩm quyền. Kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện đầy đủ khối lượng, đúng tiến độ theo Đề án đã được phê duyệt.
Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường đối với các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; xử lý hoặc tham mưu UBND tỉnh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền, đúng quy định và không đề xuất giải quyết việc thăm dò, khai thác, gia hạn, chuyển nhượng giấy phép hoạt động khoáng sản đối với các đơn vị không chấp hành thực hiện việc đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường sau khai thác… Các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phối hợp với Sở TN&MT trong công tác thẩm định Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, địa bàn quản lý theo quy định.