Như Báo TN&MT đã thông tin trước đó, từ 11/10/2017, UBND tỉnh Quảng Nam ra Quyết định số 3615/QĐ-UBND về việc Phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu Đô thị Nồi Rang. Đây là dự án do Công ty cổ phần Đạt Phương làm chủ đầu tư với diện tích khoảng 14,41ha, quy mô dân số dự kiến khoảng 2.000 người.
Từ thời điểm phê duyệt quy hoạch đến nay tròn 1 năm trời nhưng dự án này vẫn chưa xong giai đoạn giải tỏa đền bù. Trong số các hộ dân còn bức xúc liên quan đến công tác giải tỏa đền bù, trường hợp của ông Lê Thanh Tuấn (SN 1951) trú xã Duy Nghĩa - Duy Xuyên - Quảng Nam vì những khốn khổ mà đại gia đình (4 hộ - 12 nhân khẩu) của ông đang phải chịu đựng vì dự án này. Cụ thể, 915m2 đất thổ cư của ông bị thu hồi nhưng chưa được bồi thường thỏa đáng.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Thanh Tuấn (SN 1951, trú xã Duy Nghĩa) cho biết, ông có thửa đất thổ cư theo tờ bản đồ số 11, thửa 105, diện tích 915m2 được cấp sổ đỏ số: 00984 QSDĐ/375 năm 1995, diện tích kiểm kê thực tế để tiến hành dự án là 1.163m2. Trên thửa đất này gia đình ông xây dựng nhà ở từ năm 1979. Sau này, các thành viên trong gia đình khôn lớn có gia đình riêng nên các con ông Tuấn đã tách thành 4 hộ với 4 sổ hộ khẩu riêng. Tất cả cùng sinh sống trên thửa đất này.
Năm 1999, do bị ảnh hưởng của một cơn lũ nên gia đình ông có nhận khoản tiền 1,5 triệu đồng theo diện danh sách các hộ dân được hưởng trợ cấp do bão lũ theo chế độ hiện hành. Từ đó đến nay, đại gia đình tiếp tục sinh sống trên thửa đất này cho đến khi có quy hoạch dự án Nồi Rang thì mới tá hỏa khi biết mình bị thu hồi đất nhưng không được đền bù.
Cũng theo ông Tuấn, trong khi dự án đã thực hiện đến nơi, xung quanh khu đất nhà tôi đã bàn giao mặt bằng cho dự án, việc san lấp mặt bằng đã được tiến hành. Trong tình cảnh chưa được giải quyết khiếu nại thì bên Chủ đầu tư nhiều lần đến gặp gia đình và bàn cách thương lượng đền bù với số tiền mà họ đưa ra nhưng gia đình tôi chỉ mong muốn được Nhà nước (UBND huyện) làm đúng quy định về giải tỏa đền bù của Luật đất đai 2013.
Ông Tuấn cho biết thêm: “Tôi đã kiện vụ việc ra Tòa án. Ngày 15/11/2018 vừa qua, lợi dụng lúc cả gia đình đi vào tòa tỉnh ở TP. Tam Kỳ để nghe xử thì ở nhà đơn vị thi công đã cho xe múc vào, đổ đá làm sạt lở đất của gia đình”- ông Tuấn nói.
Theo ghi nhận chúng tôi tại phiên tòa ngày 15/11/2018 vừa qua, đại diện phía gia đình ông Tuấn đã đưa ra nhiều tài liệu, bằng chứng cho thấy UBND huyện Duy Xuyên trong việc thu hồi đất, hỗ trợ bồi thường tái định cư tại dự án Khu đô thị Nồi Rang là chưa thỏa đáng. Đã có những mâu thuẫn trong các quyết định số 7464/QĐ- UBND và quyết định 7810/QĐ-UBND của UBND huyện Duy Xuyên về việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ đối với các thửa đất của nhà ông Tuấn.
Về phía UBND huyện Duy Xuyên, trước đó, trong công văn 1245 gửi TAND tỉnh Quảng Nam trả lời về việc khởi kiện của ông Tuấn thì UBND huyện Duy Xuyên nói rằng, thửa đất 915m2 của gia đình ông Tuấn “chưa được thu hồi và đang trong giai đoạn xem xét, giải quyết thu hồi, bồi thường, hỗ trợ theo quy định”.
Tuy nhiên, tại phiên tòa, người đại diện cho UBND huyện Duy Xuyên lại nói thửa đất đã được thu hồi theo các quyết định thu 7464/QĐ- UBND ngày 25/9/2017 UBND và Quyết định số 7810/QĐ - UBND ngày 6/10/2017. Vậy nhưng, trong các Quyết định này lại chỉ ghi thu hồi đối với các thửa đất số 03, 81, 82 có tổng diện tích là 786,5m2, nhưng thực tế lại kiểm kê và bồi thường đối với tài sản và công trình trên đất của thửa đất 915m2. Nội dung trình bày của UBND huyện Duy Xuyên thể hiện mâu thuẫn ngay chính trong mỗi câu trả lời.
Thấy có nhiều mâu thuẫn không thể giải thích được, Hội đồng xét xử hỏi đại diện UBND huyện Duy Xuyên: “Thực tế hiện nay gia đình ông Tuấn vẫn còn sống trên thửa đất số 105 có diện tích 915m2 đó, gia đình vợ chồng con cái họ không có chỗ ở, phải che tôn ở tạm trên thửa đất của mình ngay vùng trung tâm của dự án bởi vì xung quanh đã san ủi mặt bằng đến nơi, đứng ở góc độ người quản lý, lãnh đạo của huyện, ông có giải pháp gì để giải quyết nơi ăn chốn ở cho họ, khi mà đất của họ không được bồi thường, họ không có chỗ để dung thân?”. Vị đại diện UBND huyện Duy Xuyên đã không thể trả lời câu hỏi này nên Hội đồng xét xử cho ngồi xuống. Sau khi thảo luận Hội đồng xét xử đã quyết định tạm ngừng phiên tòa để tiếp tục xác minh thêm một số nội dung.
Không những lình xình trong giải tỏa đền bù, dự án khu đô thị Nồi Rang còn biết đến là 1 trong 5 dự án khai thác quỹ đất được UBND tỉnh Quảng Nam đổi cho Công ty CP Đạt Phương để doanh nghiệp này xây dựng cây cầu Đế Võng 391 tỷ đồng theo hình thức BT. Diện tích đất Quảng Nam đổi theo tổng 5 dự án khoảng 306ha. Hình thức đổi đất lấy hạ tầng này của Quảng Nam đang gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Theo dự kiến, dự án khu đô thị Nồi Rang sẽ có Khu đô thị xây dựng 55 tầng, trong đó công trình thương mại, dịch vụ 50 tầng, Khu Nhà ở 5 tầng và được trang bị hạ tầng kỹ thuật đảm bảo an toàn, mỹ quan: san nền, giao thông, cấp nước, cấp điện, thoát nước bẩn vệ sinh môi trường.