UBND tỉnh Quảng Nam vừa có Quyết định ban hành Chương trình sinh kế cho người dân lưu vực các hồ thuỷ điện trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Qua đó, tạo công ăn việc làm bền vững cho người dân miền núi, giảm việc tác động vào rừng đầu nguồn.
Theo kế hoạch, tỉnh Quảng Nam phấn đấu đến năm 2022 hoàn thành tối thiểu 1 mô hình phát triển sinh kế cho người dân lưu vực hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên thực hiện mô hình sinh kế cho người dân đối với các công trình thủy điện đã và đang hoạt động. Năm 2023, mỗi huyện có hồ chứa thủy điện hoàn thành tối thiểu 1 mô hình phát triển sinh kế/1 thủy điện có hồ chứa thủy điện cho người dân lưu vực hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh (trường hợp trên địa bàn huyện có 2 thủy điện thì có tối thiểu 2 mô hình sinh kế).
Năm 2024, mỗi huyện có hồ chứa thủy điện hoàn thành tối thiểu 2 mô hình phát triển sinh kế/01 thủy điện có hồ chứa thủy điện cho người dân lưu vực hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh (trường hợp trên địa bàn huyện có 2 thủy điện thì có tối thiểu 04 mô hình sinh kế). Đến năm 2025, tất cả các huyện có hồ chứa thủy điện đều có các loại mô hình sinh kế bền vững cho người dân.
Mục đích đặt ra tại Chương trình này là cụ thể hóa, thực hiện đầy đủ, kịp thời, toàn diện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong các Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội gắn với sinh kế của người dân, nhất là đối với người dân khu vực miền núi, lưu vực các hồ chứa thủy điện.
Để thực hiện, tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cấp ngành, cần nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo tồn giá trị tài nguyên góp phần phát triển du lịch vùng lòng hồ bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tại lòng hồ thủy điện. Khuyến khích người dân vùng lòng hồ thủy điện bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan, vì môi trường sinh thái và cảnh quan vùng lòng hồ là tài nguyên du lịch quan trọng để thu hút du khách.
Lồng ghép việc hỗ trợ, phát triển sinh kế cho người dân vào các chương trình, kế hoạch phát triển của ngành; chủ động đề xuất hỗ trợ kỹ thuật, giống, tài chính để người dân có điều kiện phát triển sinh kế
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, hiện 22 nhà máy thủy điện đang phát điện trên địa bàn đã tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội cho người dân. Song, mỗi đơn vị thủy điện đều có một cách làm riêng, không có sự phối hợp, các hoạt động trao sinh kế chỉ nhất thời, không bền vững... Đời sống của một bộ phận người dân ở lưu vực lòng hồ thủy điện vẫn còn khó khăn. Dẫn đến việc tác động của người dân vào rừng đầu nguồn, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến việc phát điện.