(TN&MT) - Vừa qua, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường do Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang dẫn đầu đã đi kiểm tra tình hình quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Nhiều vấn đề trong công tác quản lý và khai thác khoáng sản tại đây đã được Bộ trưởng đặc biệt lưu ý.
Tạo điều kiện cho DN hoạt động theo giấy phép
Ông Nguyễn Viễn – Giám đốc Sở TN&MT Quảng Nam cho biết: Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có một số giấy phép khai thác khoáng sản vàng đã hoặc sắp hết thời hạn. Nhưng đơn vị này đã gửi hồ sơ xin gia hạn giấy phép, nếu không được gia hạn hoặc cấp lại giấy phép kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và việc làm của người lao động.
Công nhân của Cty Vàng Phước Sơn tại mỏ khai thác
Đối với Cty Vàng Phước Sơn, trên cơ sở kết quả thăm dò tại mỏ vàng Đắc Sa của Cty Vàng Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đưa ra phương án là chỉ cho phép Cty được tiếp tục thăm dò, đánh giá trữ lượng để khai thác ở phần diện tích thật cần thiết, phần diện tích còn lại đề nghị Cty trao trả cho địa phương để địa phương sử dụng vào mục đích khác. Tuy nhiên, Cty Vàng Phước Sơn không đồng ý với phương án trên của tỉnh Quảng Nam. Do đó, hiện nay địa phương và Cty Vàng Phước Sơn chưa thống nhất được diện tích tiếp tục được thăm dò tại khu mỏ vàng Đắc Sa.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết: Trước đây Bộ Công nghiệp cấp phép cho Cty được thăm dò, khai thác trong diện tích 42km2 (42.000ha). Hiện Bộ TN&MT đã đưa 42.000ha vào diện cho phép thăm dò, khai thác và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý phê duyệt. Ông Thuấn cho rằng, chính quyền địa phương phải tạo điều kiện thuận lợi cho Cty Vàng Phước Sơn thăm dò, khai thác theo giấy phép. Nhà máy được xây dựng thì phải có nguồn nguyên liệu để hoạt động. Cty được phép thăm dò, khai thác, chế biến trong diện tích 42.000ha.
Sau khi đi thực địa tại mỏ vàng Đắc Sa, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho rằng, Cty TNHH Vàng Phước Sơn có trang thiết bị, kỹ thuật phục vụ khai thác và sản xuất vàng vào loại hiện đại nhất tại khu vực Đông Nam Á, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động địa phương. Thời gian qua, do gặp khó khăn trong khai thác, chế biến, công ty này nhiều lần tuyên bố ngưng hoạt động, như vào hồi tháng 11 năm 2013 và đầu tháng 3 năm nay. Lãnh đạo Công ty Vàng Phước Sơn kiến nghị cấp giấy phép để khôi phục hoạt động trở lại nhằm phát huy hiệu quả dây chuyền công nghệ đã đầu tư vào nhà máy. Do đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, UBND tỉnh Quảng Nam phải hết sức tạo điều kiện cho Cty Vàng Phước Sơn hoạt động, để họ vượt qua giai đoạn hết sức khó khăn như hiện nay.
…nhưng phải đúng luật
Trước thông tin từ phía lãnh đạo tỉnh cho biết, hiện nay Cty Vàng Phước Sơn nợ các loại thuế (bao gồm cả phí) gần hơn 240 tỷ đồng, gồm các loại thuế như: thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, phí bảo vệ môi trường... Ông Lương Đình Đường, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cho biết, ngày 24/7, UBND tỉnh Quảng Nam, đại diện Cục Thuế tỉnh và lãnh đạo Công ty Vàng Phước Sơn đã có cuộc họp bàn liên quan đến việc công ty này nợ kéo dài số thuế hơn 240 tỉ đồng. Tại cuộc họp, phía công ty tiếp tục yêu cầu ngành thuế gỡ bỏ”các biện pháp cưỡng chế thuế trước đó và hứa sau khi công ty hoạt động trở lại, số tiền thuế từ tháng 9/2014 trở đi sẽ trả đủ. Tuy nhiên, số thuế 240 tỉ đồng đã nợ trước đó, công ty này vẫn chưa đưa ra được phương án trả nợ và đề nghị tiếp tục được gia hạn. Theo lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, trong vòng một năm tới, nếu phía Cty này không chịu nộp thì Cục Thuế sẽ kê biên, đề nghị rút giấy phép hoạt động.
Vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, doanh nghiệp cần phải thực hiện nghiêm nghĩa vụ về thuế, phí môi trường như cam kết. Nếu doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ, tỉnh Quảng Nam xem xét và có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ TN&MT, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam còn kiến nghị Bộ TN&MT phải đưa hình thức xử lý hình sự trong hoạt động khai thác vàng trái phép, có như vậy mới dẹp được nạn khai thác “vàng tặc” như hiện nay.
Trước kiến nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Thuấn cho rằng, Quảng Nam là địa phương giàu nguồn tài nguyên khoáng sản, có đến 200 khu vực khoáng sản được phát hiện.
Đặc biệt trữ lượng vàng đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, giá trị kinh tế đóng góp cho ngân sách nhà nước từ hoạt động khoáng sản chưa được cao. Nguyên nhân là do việc quản lý chưa chặt chẽ, việc thực hiện chế tài xử lý việc khai thác vàng trái phép chưa nghiêm. Sắp tới Bộ TN&MT sẽ kiến nghị Chính phủ tăng cường chế tài xử phạt hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hoạt động phạm pháp này.
Bài và ảnh: Q.Minh