Quảng Nam sẽ đánh sập các hầm vàng trong vườn quốc gia Sông Thanh

Lan Anh| 08/01/2021 11:17

(TN&MT) - Việc đánh sập các hầm vàng nhằm bảo vệ cảnh quan, tài nguyên rừng, phục hồi các hệ sinh thái rừng, khôi phục đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh trật tự khu vực Vườn quốc gia Sông Thanh

Ngày 8/1, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch đánh sập các hầm vàng ở Vườn quốc gia Sông Thanh thuộc địa bàn 2 huyện Phước Sơn và Nam Giang.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết việc đánh sập các hầm vàng này nhằm bảo vệ cảnh quan, tài nguyên rừng, phục hồi các hệ sinh thái rừng, khôi phục đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh trật tự khu vực Vườn quốc gia Sông Thanh.

Trạm bảo vệ ở Vườn quốc gia sông Thanh

Tỉnh yêu cầu Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh chủ trì phối hợp với lực lượng biên phòng, quân sự, công an, chính quyền hai huyện Nam Giang và Phước Sơn xây dựng kế hoạch, phương án phù hợp, đánh sập các hầm vàng trong phạm vi vườn quốc gia Sông Thanh và có báo cáo với UBND tỉnh trước ngày 23/1.

Trước đó, ngày 23/12, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Lễ công bố Quyết định chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh thành Vườn quốc gia sông Thanh. Đây là Vườn quốc gia đầu tiên của tỉnh Quảng Nam và là một trong những khu rừng đặc dụng có diện tích lớn nhất ở Việt Nam với tổng diện tích hơn 76 ngàn ha trải rộng trên địa bàn 12 xã thuộc huyện Nam Giang và Phước Sơn.

Tại đây, các nhà chuyên môn ghi nhận có hơn 830 loài thực vật bậc cao, trong đó 23 loài đặc hữu của Việt Nam; 49 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Trong rừng, hệ động vật rất đa dạng, gồm 53 loài thú, 183 loài chim, 44 loài bò sát, 21 loài lưỡng cư, 25 loài cá và nhiều loài động vật không xương sống.

Tỉnh Quảng Nam quyết tâm bảo vệ các giá trị tự nhiên, đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia sông Thanh

Vườn quốc gia Sông Thanh ra đời không chỉ có ý nghĩa trong bảo tồn các giá trị tự nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thúc đẩy các hoạt động bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới, các loài động vật quý hiếm khu vực Trung Trường Sơn, đồng thời là cơ hội để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng sống tại huyện Nam Giang, Phước Sơn và các vùng lân cận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam sẽ đánh sập các hầm vàng trong vườn quốc gia Sông Thanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO