Quảng Nam: Rà soát, giải quyết căn cơ đất công ích 5%
(TN&MT) - Tại Quảng Nam, việc xác định nguồn gốc đất, nhất là liên quan đến đất công ích 5%, đất thổ cư đang rất nóng hiện nay. Đây là “điểm nghẽn” lớn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi triển khai các công trình, dự án trọng điểm, động lực của tỉnh, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Nhiều tồn tại, bất cập
Tại Quảng Nam, 13/18 huyện, thị xã, thành phố có Sổ quản lý quỹ đất công ích 5% với tổng số 225.045 thửa, diện tích 11.763,3ha, chiếm 3,14% tổng diện tích đất nông nghiệp. Qua rà soát tại các địa phương, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam nhận thấy công tác quản lý, sử dụng đất công ích tại địa phương còn tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập.
Tại thời điểm xác lập hồ sơ giao đất theo Nghị định 64/CP và Luật Đất đai 1993, nhiều địa phương không lập phương án giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP và thống kê toàn bộ đất nông nghiệp vào quỹ đất công ích 5% (sổ 5a- 5b) là không đúng qui định pháp luật. Đại đa số các địa phương để lại quỹ đất công ích 5% chưa đảm bảo quy định như vượt trên 5%, tăng hơn nhiều so với phương án giao đất sản xuất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP được UBND cấp huyện phê duyệt, thống kê và đưa các loại đất rừng sản xuất, đất chưa phân phối sử dụng.
Bên cạnh đó, việc cập nhật chỉnh lý biến động diện tích đất công ích tại địa phương chưa được thực hiện thường xuyên dẫn đến số liệu quản lý diện tích đất công ích 5% không chính xác. Trong khi đó, qua thời gian dài thì quỹ đất công ích trên sổ sách so với thực địa đã biến động khác nhau rất nhiều do các nguyên nhân như: sạt lở, bồi lắp của tự nhiên, người dân lấn, chiếm sử dụng; UBND cấp xã giao đất trái thẩm quyền, thực hiện dồn điền - đổi thửa… dẫn đến việc khiếu nại, khiếu kiện khi Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất.
Cũng theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, hiện nay, hệ thống pháp luật đất đai qua các thời kỳ chưa qui định rõ công tác rà soát, xử lý đối với quỹ đất công ích 5% nên địa phương sau rà soát còn lúng túng, bị động trong việc xử lý vi phạm hành chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường liên quan đến các diện tích đất mà có thể hiện trong hồ sơ đăng ký 64/CP trước đây ghi là đất đất công ích do còn có nhiều cách hiểu khác nhau.
Nhiều địa phương áp dụng qui định tại điều 19, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ (hiện nay là điều 151, Luật Đất đai 2024) để không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người đang quản lý sử dụng (có nguồn gốc sử dụng có vi phạm pháp luật, giao đất trái thẩm quyền trước ngày 1/7/2014) dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện phát sinh khá phổ biến trong thời gian qua.
Rà soát lại quỹ đất công ích
Tại buổi làm việc tháo gỡ vướng mắc về công tác quản lý đất đai của tỉnh Quảng Nam, đại diện Bộ TN&MT đã hướng dẫn địa phương thực hiện theo quy định của Luật Đất đai. Theo đó, quy định tại khoản 1 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013 thì đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý. Do đó, đối với những địa phương chưa xác lập hồ sơ quản lý đối với quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của thì phải thực hiện việc đăng ký đất đai để quản lý theo quy định.
Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho hay, hiện nay Sở đang tham mưu về quy trình rà soát quỹ đất công ích 5% căn cứ thực tiễn các địa phương và kết quả làm thí điểm việc rà soát đối với quỹ đất công ích 5% tại xã Tam Thanh và cơ sở hướng dẫn của Bộ TN&MT.
Trên cơ sở đó, soi chiếu theo Luật Đất đai 2024 và các quy định liên quan, như Thông tư số 10/2024 của Bộ TN&MT để làm căn cứ cho việc rà soát, điều chỉnh hồ sơ địa chính, loại ra khỏi quỹ đất công ích 5% đối với diện tích đất công ích mà trước đây xác lập không đúng quy định, xử lý đối với quỹ đất công ích vượt trên 5%.
Sau khi loại ra, đối với trường hợp không có hợp đồng thuê đất công ích mà hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 1/7/2004, được UBND cấp xã xác nhận sử dụng đất ổn định, không tranh chấp thì bồi thường, hỗ trợ như các trường hợp đủ điều kiện bồi thường về đất theo quy định. "Ngành kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát lại quỹ đất công ích 5% trong kỳ kiểm kê năm 2024 và kết thúc vào cuối kỳ - tháng 6/2025"- ông Sơn cho biết.
Liên quan đến vướng mắc xử lý đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung phối hợp, tháo gỡ khó khăn, bất cập trong công tác quản lý đất công ích, đất thổ cư trên địa bàn tỉnh, nhất quán quan điểm “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì không có lợi cho dân thì hết sức tránh”.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan, UBND cấp xã quyết liệt rà soát đất công ích theo hướng dẫn về trình tự các bước rà soát của UBND tỉnh, hoàn thành trước ngày 30/6/2025 để có cơ sở giải quyết căn cơ những vấn đề còn vướng mắc liên quan đã kéo dài hàng chục năm nay. Đây là “nút thắt” đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh.