Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cây ươi phân bố ở một số huyện miền núi như Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My… Đây là loại cây rừng có giá trị kinh tế cao, vì quả ươi có công dụng làm thảo dược hoặc pha chế nước giải khát rất được thị trường ưa chuộng. Ươi càng có giá trị vì khoảng 4 năm mới cho trái chín 1 lần.
Quần thể cây ươi tại xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam |
Gọi ươi bay, vì đến kỳ trái chín hạt ươi không rụng trực tiếp xuống gốc, mà thường nhờ gió mang đi phát tán. Cây ươi ở càng cao thì hạt được gió mang đi càng xa. Những năm gần đây hạt ươi rất có giá kinh tế, có thời điểm giá từ 300.000 đồng - 500.000/kg. Nếu thương lái thu mua để sau mùa ươi bán lại có thể lên đến tiền triệu 1 kg. Trái ươi đã cho người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Để thu hoạch được quả ươi, người dân phải đi hàng chục cây số vào trong rừng sâu tìm những cây ươi đang có quả, và để có được quả ươi, họ đã chặt hạ những cây ươi còn xanh tốt (vì cây ươi quá cao nên không thể trèo lên hái quả được). Phương thức này mang tính hủy diệt, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng.
Hạt ươi bay đang được nhân giống và sẽ chuyển giao cho người dân trồng phát triển ở các huyện miền núi Quảng Nam |
Để bảo tồn cây ươi, các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đã tăng cường lực lượng chức năng tuần tra, chốt chặn tại các cửa rừng, lập danh sách người thu lượm theo từng địa phương để theo dõi. Tại huyện Nam Trà My đã thành lập gần 20 chốt để bảo vệ rừng ươi, UBND huyện Phước Sơn đã thành lập 3 tổ công tác, có sự tham gia của Ban quản lý rừng, Kiểm lâm, Công an huyện và chính quyền các xã nhằm tăng cường quản lý, giám sát việc khai thác cây ươi ở các địa bàn.
Tuy nhiên, do địa bàn rộng, địa hình rừng núi phức tạp nên việc quản lý các đối tượng từ nơi khác đến khai thác ươi chưa được triệt để. Trong đó đã xảy ra tình trạng người dân chặt hạ ươi để lấy quả. Một số đối tượng đã bị bắt quả tang, bị khởi tố.
Để bảo vệ hệ sinh thái rừng và giúp người dân có thêm thu nhập, giảm phụ thuộc vào rừng, nhiều địa phương ở Quảng Nam đang tính đến phương án nhân giống và chuyển giao cho người dân trồng, phát triển cây ươi.
Ươi là loại quả có giá trị kinh tế cao |
Ông Phạm Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Sông Thanh cho biết: Hiện nay công tác bảo vệ, nhân rộng và phát triển cây ươi bản địa đã được lãnh đạo Vườn Quốc gia Sông Thanh triển khai, bằng hình thức thu mua hạt ươi bay của người dân thu lượm đem về ươm giống và cấp lại cho người dân để trồng, phát triển và và bảo vệ rừng ươi.
“Hiện nay cây giống đã được 1 năm tuổi và phát triển thuận lợi. Việc nhân giống cơ bản không khó nhưng đòi hỏi phải có kỹ thuật chăm sóc. Chúng tôi sẽ xin ý kiến tỉnh để khoảng trong năm 2022 sẽ cấp những giống cây ươi này cho người dân chăm sóc. Về phía Ban quản lý cũng sẽ có những buổi tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho bà con.”- ông Nghĩa cho hay.
Ông Hồ Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thành, huyện Phước Sơn cho biết, hiện, địa phương đang triển khai trồng thử loại cây này. “Vừa qua, xã đã đăng ký trồng 2.000 cây. Để tổ chức thực hiện, xã đã tổng hợp danh sách các hộ gia đình đăng ký trồng với mục đích khôi phục lại cây ươi để bảo tồn, có thể sau này sẽ quảng bá về du lịch. Bên cạnh đó, việc phát triển cây ươi cũng giúp giữ rừng, từ đó phát triển được kinh tế, từng bước cải thiện đời sống cho người dân địa phương”, ông Trung cho biết thêm.