Phục hồi “lá phổi xanh”
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, tổng diện tích rừng chuyển mục đích sang làm các công trình, dự án phải trồng rừng thay thế là hơn 1.870 ha, trong đó gần 1.500 ha là diện tích chuyển sang làm thủy điện.
Để khôi phục “lá phổi xanh”, tỉnh Quảng Nam đã cơ bản hoàn thành phương án trồng rừng thay thế với tổng diện tích gần 2.012ha, lớn hơn diện tích đất rừng tự nhiên đã mất do chuyển đổi mục đích sử dụng. Diện tích rừng trồng thay thế có tỷ lệ sống bình quân đạt hơn 75%. Mỗi dự án trồng rừng thay thế kéo dài 10 năm, trong đó có 1 năm trồng, 4 năm chăm sóc và 5 năm quản lý bảo vệ nên toàn tỉnh chưa có dự án nào kết thúc.
Tỉnh Quảng Nam đã cơ bản hoàn thành phương án trồng rừng thay thế |
Ông Lê Tự Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cho biết, hiện nay địa phương triển khai TRTT ở cả vùng cát và vùng núi. Đối với vùng cát, chủ yếu trồng cây keo lá liềm, còn vùng đồi núi thì trồng cây lim xanh, sao đen, lát hoa nhưng phần lớn là lim xanh. Hiện nay, phần lớn đang trong giai đoạn chăm sóc, bảo vệ, khi mới triển khai cũng gặp không ít khó khăn nhưng đã phối hợp Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) của tỉnh cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn khi gặp phải.
Với đặc thù có địa hình dốc, hiểm trở nên tính thích nghi và chịu đựng được của các loại cây sẽ gặp một số khó khăn để sống khỏe. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng, giai đoạn trồng năm đầu tiên cây thường bị chết, tỉnh đã cho trồng dặm thay thế trở lại. Việc chuyển cây trồng lên các vị trí cao cũng gặp khó khăn, phải thuê người dân gùi vào rừng nên đơn giá thực hiện có chi phí rất cao.
Bên cạnh đó, các động vật rừng như lợn rừng, trâu bò gặm phá mất, ngoài ra, còn có các loại sâu bọ, dịch bệnh, các loại dây leo, thực bì phát triển làm cho cây trồng khó sinh trưởng. Ứng phó với những khó khăn này, tỉnh đã sử dụng kinh phí dự phòng để trồng bù lại, cần thiết sẽ cho lập hàng rào ngăn gia súc phá hoại; tăng kinh phí số lần chăm sóc thành 3 lần (bình thường là 2 lần) để cây phát rậm thực bì, đảm bảo cây phát triển tốt, ko bị dây leo bám...
Đến nay độ che phủ rừng của Quảng Nam đã tăng đạt 56% |
“Trồng rừng thay thế thực là nhiệm vụ chính trị, nếu tính đúng, tính đủ cho việc trồng rất khó vì đặc thù điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt. Có nhiều trường hợp thiết kế xong, xử lý thực bì xong, đã dựng lán trại, đưa cây giống lên chuẩn bị trồng thì vỡ đập cuốn trôi hết, mình phải chuẩn bị từ đầu, về tiền thì không nói nhưng mùa vụ thì mình không lường trước được, các chi phí phát sinh như Sông Bung 2.” – ông Tuấn chia sẻ.
Quyết liệt các giải pháp
Ông Huỳnh Đức, Giám đốc Quỹ BV&PTR tỉnh Quảng Nam cho biết, có hơn 30 đơn vị nộp tiền về quỹ, với số tiền khoảng hơn 112 tỷ đồng. Quá trình thực hiện theo Thông tư số 23/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hướng dẫn về quản lý công trình lâm sinh, có những quy định về quản lý nguồn quỹ chưa cụ thể, rõ ràng khiến địa phương lúng túng khi thực hiện.
Do đó, Quỹ BV&PTR đã phối hợp Chi cục Kiểm lâm tham mưu gửi Sở NN&PTNT ban hành Văn bản số 953/SNN&PTNT-KHTC về việc hướng dẫn quản lý, thanh toán quyết toán vốn đầu tư TRTT diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng. Văn bản đã nêu rõ từng đầu việc cụ thể của các bên liên quan cũng như trách nhiệm thực hiện.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, khi các dự án phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, tỉnh Quảng Nam yêu cầu nhà đầu tư lập phương án TRTT, tuân thủ nghiêm nộp quỹ trồng rừng thay thế cho Qũy BVPTR hoặc Ban Quản lý rừng cấp huyện. Đa phần các doanh nghiệp đó không có chuyên môn để trồng lại rừng thay thế, vì vậy họ đều nộp tiền đẩy đủ vào quỹ.
Với các doanh nghiệp chậm chuyển tiền, Quỹ BVPTR hoặc BLQ rừng cấp huyện sẽ báo cáo ngay UBND tỉnh. UBND sẽ gửi văn bản yêu cầu doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện, nếu tiếp tục chây ỳ, tỉnh sẽ gửi văn bản cho cơ quan chủ quản của doanh nghiệp, yêu cầu cơ quan đó có chỉ đạo yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nộp quỹ. Thậm chí, tỉnh sẽ gửi văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng cao kiểm tra năng lực của doanh nghiệp, đề nghị đình chỉ và thu hồi giấy phép… Vì vậy, tại Quảng Nam gần như không có trường hợp các doanh nghiệp chây ỳ nộp tiền TRTT.
Rừng trồng thay thế tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. |
Công tác khảo sát, lập địa, khảo sát khu vực có thể TRTT được giao cụ thể cho Chi cục kiểm lâm, chính quyền địa phương, Qũy BVPTR với yêu cầu lựa chọn loại cây trồng phù hợp, ưu tiên trồng loại cây bản địa tại khu vực đó. Sau đó, hợp đồng với các đơn vị có liên quan để thực hiện lại việc trồng rừng, có sự giám sát của người dân và chủ đầu tư. Do vậy, quá trình triển khai TRTT đã diễn ra được thuận lợi.
Đến nay độ che phủ rừng của Quảng Nam đã tăng đạt 56%, tăng khoảng 10% so với năm 2010. Các loại cây được nghiệm thu trở lại đa số đều sinh trưởng tốt.
“Quan điểm của Quảng Nam là bảo vệ nghiêm ngặt hệ sinh thái rừng, cây rừng tự nhiên đã bị mất đi phải được trồng lại thay thế. Cho đến nay, việc trồng rừng thay thế đã gần như hoàn thành xong (đạt 98,7% so với diện tích được phê duyệt). Điều đó cho thấy công tác trồng rừng thay thế được quan tâm chỉ đạo rất quyết liệt.”– ông Lê Trí Thanh khẳng định.