Tăng nguồn lực đầu tư
Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, hiện chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại các đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn khoảng hơn 139.000 tấn (đạt tỷ lệ 97%), riêng tỷ lệ CTRSH thu gom, xử lý tại nông thôn ước đạt khoảng 136.000 tấn (đạt tỷ lệ khoảng 80%).
Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo triển khai một số dự án mang tính cấp bách để xử lý môi trường, như dự án đầu tư hệ thống thu gom nước mặt Khu xử lý rác thải Tam Xuân 2 (Núi Thành); dự án thực hiện đóng cửa Khu chứa và xử lý rác thải Đại Hiệp; dự án Khu xử lý chất thải rắn Nam Quảng Nam đang trong quá trình thẩm định công nghệ và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2024.
Đáng chú ý là việc kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các khu, nhà máy xử lý rác theo công nghệ tiến tiến, như nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Quảng Nam có công suất thiết kế 300 tấn/ngày đêm do Công ty CP Môi trường Huy Hoàng Eco làm chủ đầu tư (đã đi vào hoạt động) áp dụng công nghệ tổ hợp, tuần hoàn tái chế và tận thu tài nguyên từ rác thải; dự án nhà máy xử lý CTRSH Hội An có công suất 120 tấn/ngày do Công ty CP Đầu tư môi trường và phát triển năng lượng DMC-579 Quảng Nam làm chủ đầu tư với vốn đăng ký đầu tư khoảng 490 tỷ đồng.
Ông Võ Như Toàn, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho biết, để có nguồn lực đầu tư cho công tác xử lý CTRSH, bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước, tỉnh đã huy động được các nguồn lực tư nhân đầu tư các cơ sở xử lý CTRSH. Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành được các mức phí vệ sinh, giá thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH theo quy định của pháp luật về giá làm cơ sở để các địa phương áp dụng; qua đó đã huy động được nguồn lực trong cộng đồng để chi trả một phần cho hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH.
“Công tác quản lý CTRSH ngày càng đi vào nền nếp, góp phần giải quyết CTRSH phát sinh trên địa bàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, khắc phục đáng kể tình trạng vứt rác bừa bãi ra môi trường, xóa bỏ được nhiều điểm rác công cộng tự phát.” – ông Toàn cho hay.
Từng bước áp dụng công nghệ tiên tiến
Tuy nhiên, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cũng nhìn nhận, công tác phân loại CTRSH tại địa phương hiện chưa đạt hiệu quả cao. Tỷ lệ hộ dân tham gia nộp phí vệ sinh tại các địa phương trong thời gian qua chưa đạt mục tiêu và không ổn định dẫn đến thiếu hụt kinh phí để chi trả cho các tổ, đơn vị dịch vụ thu gom, vận chuyển. Tại các huyện miền núi, các bãi rác quy mô nhỏ phục vụ cho các xã vùng trung tâm của huyện, trừ Nam Trà My chưa đầu tư bãi chôn lấp hợp vệ sinh, vẫn còn xử lý tại các bãi rác tạm. Do đó, nguy cơ xảy ra “khủng hoảng” rác thải vẫn còn tiềm ẩn.
Tại cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành địa phương ở Quảng Nam mới đây, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở TN&MT có giải pháp sớm vận hành Khu xử lý chất thải rắn Nam Quảng Nam với công nghệ hiện đại để đến năm 2024 không để xảy ra điểm nóng về môi trường. Ngoài ra mỗi địa phương cũng phải chủ động chuẩn bị sẵn các khu xử lý đề phòng trường hợp xảy ra ra sự cố rác thải.
Theo Sở TN&MT, Đề án quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 hướng đến mục tiêu từng bước đưa công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước vào sử dụng. Áp dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hạn chế hình thức chôn lấp không đảm bảo môi trường.
Bên cạnh đó, việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn đóng vai trò rất quan trọng góp phần giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý cần được tiếp tục duy trì, nhân rộng trong toàn tỉnh. Do vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ, mang ý nghĩa lớn như: phân loại rác tại nguồn; bỏ rác đúng nơi quy định; không vứt rác bừa bãi nơi công cộng, nhất là ở sông, suối, cống, mương thoát nước; thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông…