Quảng Nam: Người dân hiến đất mở đường, xây dựng miền quê đáng sống
Thời buổi tấc đất tấc vàng, nhưng ở nhiều làng quê của Quảng Nam, người dân sẵn sàng hiến hàng trăm, hàng nghìn mét đất để làm đường, điều đó đã tạo nên những kỳ tích trong phát triển giao thông nông thôn, kiến tạo những miền quê đáng sống.
Vì lợi ích chung
Nhìn đoạn đường Lê Thạnh nối từ đường Nguyễn Văn Trỗi đến Văn Thị Thừa đang được thi công, nâng cấp, ông Nguyễn Thế Thọ (86 tuổi, khối phố Phước Xuyên, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) lòng vui như mở cờ. Rồi đây dân làng được đi trên con đường khang trang, rộng rãi.
Ông kể rằng trước lúc làm đường, khi nghe chính quyền vận động hiến đất, gia đình ông đã xung phong tự nguyện hiến 170m2 đất, chặt cây cổ thụ, bờ rào… để tạo điều kiện cho đơn vị thi công mở rộng đường.
“Con đường bê tông trước đây rộng 3,5 m, xuống cấp hư hỏng nên việc đi lại của bà con rất khó khăn. Nay được chính quyền đầu tư xây dựng lại mở rộng thành 11,5 m, tôi quyết định hiến đất để cùng Nhà nước xây dựng một con đường sạch đẹp, kiên cố. Cá nhân tôi thấy rất phấn khởi khi được đóng góp chút chút vì lợi ích chung của mọi người”, ông Thọ tâm sự
Không riêng gia đình ông Thọ mà hàng chục hộ dân sống dọc tuyến đường này khi nghe có chủ trương mở đường của Nhà nước đều nhanh chóng bàn giao đất cho mà không đòi hỏi quyền lợi gì, chỉ mong sớm có con đường rộng rãi, khang trang để đi lại thuận lợi.
Nhà thì di dời tường rào cổng ngõ, nhà thì chặt hạ cây cối để mở rộng tuyến đường cũ. Nhiều hộ còn hiến gần cả trăm mét vuông đất ở, bỏ công cùng đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để sớm có đường mới, không mảy may đến lợi ích cá nhân, quyết làm sao có con đường trước nhà cho khang trang, đẹp đẽ.
Nằm trên con đường liên thôn dài hơn 1km được nâng cấp từ 3,5 m lên 11,5 m, ông Nguyễn Thế Phước, ở khối phố Xuyên Tây, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên kể sau khi được chính quyền xã kêu gọi hiến đất mở rộng đường, gia đình ông đã hiến gần 700 m2 đất nông nghiệp và đất ở để mở rộng đường.
“Năm 2024, tôi đã hiến đất nông nghiệp và đất ở tại 3 địa điểm, tổng là 700m2 để làm đường. Đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân nên bà con rất ủng hộ. Thực tế, từ khi con đường này được nâng cấp, mở rộng, giao thông an toàn, việc vận chuyển hàng hóa thông suốt, đời sống người dân phát triển từng ngày”- ông Phước chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước Lương Thanh Bình cho biết, tốc độ đô thị phát triển nhanh đã kéo theo giá đất ở thị trấn Nam Phước tăng cao ngang với các đô thị trong tỉnh. Tuy nhiên, sau khi có chủ trương của UBND huyện, UBND thị trấn tổ chức họp dân vận động và bà con đồng tình hiến đất mở đường, tháo tường rào cổng ngõ, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Có những trục đường chính, giá mỗi mét vuông đất từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng nhưng bà con vẫn đồng tình hiến đất vì mục tiêu chung.
Thay đổi diện mạo nông thôn
Ở riêng ở thị trấn Nam Phước, hàng trăm, hàng ngàn người dân ở các địa phương khác trên địa bàn huyện Duy Xuyên cũng sẵn sàng chặt cây, hiến đất, phá bỏ công trình để làm đường, chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới. Không chỉ hiến đất mở đường, bà con còn đóng góp tiền của, công sức để cùng chính quyền hoàn thiện hạ tầng, góp phần trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).
Ông Nguyễn Nở, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Hà Mỹ, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên cho biết: toàn thôn Hà Mỹ có 470 hộ với 1.800 nhân khẩu. Địa phương nâng cấp, mở rộng 3 tuyến đường nông thôn với chiều dài gần 500m. Nhà nước hỗ trợ kinh phí 60%, còn lại nhân dân tự nguyện hiến đất và đóng góp thêm mỗi hộ từ 6 đến 7 triệu đồng.
“Chúng tôi họp nhiều lần, sau khi tuyên truyền họ thấy được lợi ích của việc mở đường, từ chỗ 2,5m lên 7,5m mở rộng, nhân dân tự hiến đất và tự mở đường. Nhờ công tác tuyên truyền vận động nên họ đóng góp rất cao. Đặc biệt ý thức của người dân trong việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Ngoài sự đóng góp 6 triệu đến 7 triệu đồng/ một người họ còn hiến đất, sau này sẽ nhân rộng", ông Nở nói.
Ông Đặng Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, thành công trong công tác vận động dân hiến đất làm đường ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là nhờ phát huy tinh thần dân chủ. Mọi thông tin dự án được công khai, minh bạch, địa phương tổ chức họp dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con. Đối với những hộ chưa đồng thuận, chính quyền địa phương và người có uy tín trong khu dân cư vận động, giải thích để người dân tin tưởng, làm theo.
Thực hiện tốt chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm trong phát triển giao thông, đường giao thông nông thôn rộng 3,5 m được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, người dân góp đất đai, tự tháo dỡ vật kiến trúc để mở lên 5,5 m; đường rộng 7,5 m mở rộng lên 11,5 m, 13,5 m, hướng đến đường hai chiều. Với cơ chế này, người dân đã tự nguyện hiến trên 334.727m2 đất, trên 249.140 ngày công lao động để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn.
Những con đường mới hoàn thành, đưa vào sử dụng đã tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, từng bước xây dựng huyện NTM.
Đến cuối năm 2020, tất cả 11 xã của huyện đều được công nhận đạt chuẩn xã NTM và Duy Xuyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM. Từ năm 2021 đến nay, Duy Xuyên tiếp tục nỗ lực triển khai nhiều phần việc để duy trì, nâng cao chất lượng bộ 19 tiêu chí xã NTM và tập trung xây dựng mô hình huyện NTM nâng cao. Địa phương phấn đấu đến năm 2025 có 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, gồm Duy Sơn, Duy Thành, Duy Châu, Duy Phú, Duy Thu, Duy Tân, Duy Trung; 4 xã đạt chuẩn NTM kiễu mẫu là Duy Phước, Duy Vinh, Duy Hòa, Duy Trinh; 35/58 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu.
“Có thể nói, sự chung sức, đồng lòng của người dân là yếu tố hàng đầu để Duy Xuyên thực hiện mục tiêu kết nối xuyên suốt từ vùng đồng bằng ven biển đến vùng phía tây, hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, khang trang” - ông Phúc nói.