Tham dự lễ khởi công có đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo thị xã Điện Bàn cùng đông đảo cán bộ, nhân dân phường Điện Nam Bắc và người con quê hương Điện Nam; trong đó có Thượng tướng Lê Thế Tiệm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an.
Theo sử liệu ghi lại, tại nơi xây dựng khu di tích, đầu năm 1971, qua công tác nắm tình hình được biết Mỹ - ngụy sẽ càn quét qua địa bàn nhằm hủy bỏ các hầm công sự của ta.
Lúc này, tổ công tác gồm 7 đồng chí đã nhanh chóng triển khai đánh chặn trận càn của địch. Tuy vũ khí thô sơ, song với tài mưu trí và dũng cảm của tổ công tác, cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt từ sáng sớm đến chiều tối.
Với quyết tâm chiến đấu đến cùng, không đầu hàng địch, các đồng chí đã dựa vào công sự, hầm trú ẩn chiến đấu đánh bại nhiều đợt xung phong của địch. Khi hết đạn, các đồng chí đã dùng thủ pháo, lựu đạn để chiến đấu kiên cường; loại khỏi vòng chiến đấu 47 tên địch, bắn rơi 1 máy bay OH6A, bắn cháy 1 xe tăng M48, làm hư hỏng 1 chiếc xe tăng khác.
Tuy nhiên, do tương quan lực lượng và khí tài quá lớn, 7 đồng chí trong tổ công tác đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và anh dũng hy sinh.
Sau khi 7 đồng chí hy sinh, Nhà nước đã công nhận liệt sĩ và trao tặng Bằng Tổ quốc ghi công; cán bộ và nhân dân Điện Nam tuyên dương nêu cao danh hiệu “7 liệt sĩ Điện Nam”. “7 liệt sĩ Điện Nam” gồm: Đồng chí Nguyễn Thảng, Bí thư Đảng ủy xã; đồng chí Phạm Tòng, Chủ tịch xã; đồng chí Nguyễn Cơ, Ban tiền phương phụ trách lương thực, thực phẩm, giao liên; đồng chí Trần Hòe, Chủ tịch xã, Ban tiền phương phụ trách lương thực, thực phẩm, giao liên; đồng chí Nguyễn Đáo, Ban kinh tài; đồng chí Phạm Đức, cán bộ tổ công tác; đồng chí Lê Thời, du kích.
Việc xây dựng Khu di tích trận đánh 7 liệt sĩ Điện Nam nhằm thể hiện sự tri ân của thế hệ hôm nay dành cho các liệt sĩ; để nơi đây trở thành chiến tích lịch sử nhằm giáo dục cho các thế hệ mai sau về truyền thống cách mạng của quê hương.