Ông Đinh Văn Hồng cho biết, ngay trong chiều 7/4, dù trời mưa lớn và là ngày nghỉ nhưng Tổ công tác của Ban quản lý và Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh vẫn đang vượt rừng khẩn trương vào cuộc xác minh thông tin vụ việc.
“Hiện giờ, chúng tôi đang vào địa điểm thôn Pà Xua, khu vực giáp ranh giới giữa huyện Nam Giang và Phước Sơn, thuộc Quảng Nam do báo chí phản ánh. Ban quản lý và Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh sẽ sớm có những thông tin chính thức đến lãnh đạo tỉnh, Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các đơn vị chức năng và báo giới cũng như hướng giải quyết vụ việc” - ông Hồng nói.
Từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng đã tổ chức 50 đợt kiểm tra, truy quét, xử lý vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Qua đó, phát hiện và lập biên bản đối với 42 vụ vi phạm; tạm giữ 1,880 m3 gỗ tròn, 16,391 m3 gỗ xẻ, 1.025 kg gốc rễ có hình thù phức tạp, 08 xe mô tô, 05 xe ô tô, 01 xe bò, 20 cá thể động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý hiếm (trọng lượng 5,9 kg). Ngoài ra, phát hiện, thu giữ 30 kg sản phẩm động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý hiếm, 66 cá thể động vật rừng thông thường (trọng lượng 111,5 kg) và 288,5 kg sản phẩm động vật rừng thông thường. Trong đó có 02 vụ vi phạm về động vật rừng có dấu hiệu vi phạm hình sự hiện đang được đơn vị trưng cầu giám định để hoàn chỉnh các thủ tục khởi tố vụ án hình sự.
Bên cạnh đó, Ban quản lý và Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Sông Thanh cũng đã phối hợp với các ban ngành chức năng tổ chức nhiều đợt tuần tra, truy quét các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Kết quả đã phá hủy 7 máy nổ, 8 lán trại, 600 mét ống dây nước, 200 mét ống hơi, 02 máy khoang đá, 04 xe rùa, 01 tủ lạnh, 03 cối xay, 05 máy bơm nước, 320 lít Dầu Diezen, 06 củ điện, 03 máy hơi và nhiều vật dụng, lương thực, thực phẩm khác, đẩy đuổi hàng chục đối tượng làm ăn phi pháp ra khỏi lâm phận Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh.
Như Báo TN&MT thông tin, chỉ trong tháng 3, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam phát hiện liên tiếp 3 vụ phá rừng quy mô lớn tại 2 huyện Đông Giang và huyện Nam Giang, gây thiệt hại gần 400m3 gỗ. Cụ thể,vụ chặt phá 33 cây rừng già ở rừng phòng hộ Sông Kôn (huyện Đông Giang, gây thiệt hại là 45,6 m3, gỗ từ nhóm III đến nhóm VII; một số gỗ đã vận chuyển khỏi hiện trường; số gỗ còn tại hiện trường là 5 lóng gỗ tròn và 1 cây gỗ chưa cưa xẻ, khối lượng 10,852 m3; 8 phách gỗ xẻ, khối lượng 2,299 m3. Tiếp đến là vụ phá rừng lim hàng trăm năm tuổi ở rừng phòng hộ Nam Sông Bung (huyện Nam Giang). Qua kiểm tra phát hiện vụ khai thác gỗ trái phép xảy ra tại khoảnh 1, 3, Tiểu khu 335, thôn Cần Đôn, xã Chà Val, huyện Nam Giang. Trong đó, có 34 cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ (33 cây Lim Xanh và 1 cây Xoan Đào). Ước tính tổng khổi lượng gỗ thiệt hại 235,111 m3; trong đó gỗ Lim xanh 223,121 m3 và gỗ Xoan đào 11,990 m3; khối lượng gỗ còn tại hiện trường 125,909 m3 gỗ tròn và 3,949 m3 gỗ xẻ.
Trước sự việc nghiêm trọng này, ngày 4/4, ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cho biết đã ký các quyết định đình chỉ công tác nửa tháng đối với 6 cán bộ kiểm lâm địa bàn Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn và Nam Sông Bung. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh đã ký công văn số 1705 về việc “Triển khai một số nhiệm vụ cấp bách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh”. Trong đó nhân mạnh, khẩn trương hoàn thành hồ sơ, khởi tố các vụ án phá rừng, hủy hoại rừng, khởi tố bị can và đề nghị truy tố ở mức độ có tính răn đe cao, phù hợp với quy định pháp luật.