Quảng Nam: Khẩn trương khắc phục kè biển Cửa Đại trước mùa mưa bão

05/08/2018 15:49

(TN&MT) - Từ mùa mưa bão vào cuối năm 2017 đến tháng 4/2018, tình trạng sạt lở bờ kè bê tông kiên cố tại biển Cửa Đại TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) gây nguy hiểm cho khu dân cư, hệ thống đường giao thông dẫn ra cảng Cửa Đại và đường điện cao thế ngầm dẫn ra đảo Cù Lao Chàm diễn ra vô cùng phức tạp.

Kết quả khảo sát cho thấy, nhiều vị trí kè bị sụt lún độ rỗng đã trên 3m, báo động tình trạng sạt lở toàn bộ tuyến kè
Kết quả khảo sát cho thấy, nhiều vị trí kè bị sụt lún độ rỗng đã trên 3m, báo động tình trạng sạt lở toàn bộ tuyến kè

Theo báo cáo của UBND TP. Hội An, đoạn kè mái taluy bằng tấm lát bê tông dài 714m đoạn từ khách sạn Sunrise đến khách sạn Fusionalya được xây dựng từ năm 2012, với kinh phí hơn 80 tỷ đồng, nhiều đoạn bị biển xâm thực gây sụt lún, hư hỏng nghiêm trọng.

Qua kiểm tra thực tế, phần móng và 3 hàng lát mái taluy bằng tấm bê tông từ vị trí chân khay lên phía đỉnh kè bị gãy sập, toàn tuyến kè bị hư hỏng với tổng chiều dài hơn 70m…phần chân, đáy của toàn bộ hệ thống bờ kè đang có nguy cơ bị sóng biển cuốn rỗng chân đế, làm bờ kè có nguy cơ đổ sụp.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Ông Nguyễn Thế Hùng,- Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, ngay  trong tháng 5/2018 vừa qua, TP. Hội An đã chỉ đạo xử lý khẩn cấp tình trạng sụt lún bờ kè bằng các bao bạt nhựa đựng cát và đổ cát vào các vị trí sụt lún, nhằm hạn chế tình trạng xâm thực của biển vào bờ kè. Công ty Điện lực Quảng Nam cũng gia cố đoạn mái kè bị sụt lún tại vị trí có tuyến cáp điện ngầm ra đảo Cù Lao Chàm.

 Cùng với các biện pháp tạm thời trên, TP. Hội An đã chỉ đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Hội An hợp đồng với Trung tâm trắc địa công trình và địa chính khảo sát địa chất phần đế móng ngầm của công trình nhằm đánh giá mức độ sụt lún để tìm biện pháp khắc phục sửa chữa. 

Qua khảo sát, đơn vị tư vấn xác định, phần thân toàn tuyến bờ kè đã bị rỗng, khoảng cách giữa tấm lát thân kè và phần đất thân kè từ 0,8-2m, hơn 300 mét dài có những vị trí kè bị sụt lún độ rỗng đã trên 3m, báo động tình trạng sạt lở toàn bộ tuyến kè.

Từ kết quả khảo sát trên, TP. Hội An đưa ra phương án sửa chữa được chia ra gồm hai giai đoạn:  Giai đoạn 1 sửa chữa các vị trí sụt lún cục bộ trên toàn tuyến bờ kè, tháo dỡ các khối bê tông và phần hệ dầm đã bị sụt lún, vệ sinh phần dưới thân kè, trải vải địa kỹ thuật, đệm đá dăm… Dự kiến với kinh phí khoảng 15 tỉ đồng. Giai đoạn 2 xây dựng các kè mỏ hàn tạo bồi, giảm sóng trước chân kè bằng đá hộc, đồng thời xây dựng các tuyến đê giảm sóng phía ngoài các kè mỏ hàn để hạn chế áp lực sóng tác động đến tuyến kè… kinh phí dự kiến khoảng 12 tỉ đồng.

Trong buổi thị sát tình hình tuyến kè biển Cửa Đại, Hội An, ông Lê Trí Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã xem xét và thống nhất với các phương án của UBND TP. Hội An và đề nghị từ các chuyên gia, chỉ đạo các Sở ngành liên quan và TP. Hội An phải nghiên cứu lại dòng chảy, hướng chảy, hướng sóng khu vực kè Cửa Đại và toàn tuyến bờ biển Hội An…

“Tiếp tục tìm thêm giải pháp, bằng mọi cách phải khắc phục được tình trạng xâm thực, sạt lở bờ kè để bảo vệ tuyến đường Âu Cơ nối Hội An với Cảng Cửa Đại, bảo vệ hạ tầng, đất đai, đảm bảo ổn định, an toàn cho đời sống của người dân địa phương”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

Tại công trường, vật liệu đã được đã được nhà thầu tập kết, khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở bờ kè bê tông kiên cố Cửa Đại, Hội An, trước mùa mưa bão
Tại công trường, vật liệu đã được đã được nhà thầu tập kết, khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở bờ kè bê tông kiên cố Cửa Đại, Hội An, trước mùa mưa bão

Được biết, mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam và TP. Hội An đã quyết định đầu tư 28 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách kè khẩn cấp bờ biển Cửa Đại. Trong đó, TP. Hội An đầu tư 18 tỷ đồng, tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 10 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Đức, cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Hội An cho biết thêm, từ giữa tháng 7 đến tháng 9/2018, các đơn vị thi công sẽ phấn đấu hoàn thành khắc phục sự cố kè cứng tại biển Cửa Đại trong thời gian 70 ngày, trước mùa mưa bão năm 2018. Tuy nhiên, trước tình trạng mùa mưa bão đã bắt đầu có những diễn biến phức tạp như hiện nay, tiến độ thi công sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công việc.

Đại diện đơn vị thi công, một cán bộ kỹ thuật phụ trách dự án cho hay, với khối lượng công việc nhiều, để hoàn thành đạt được tiến độ đề ra thì đơn vị thực hiện được. Mặc dừ thời tiết năm nay mưa sớm, nhưng đơn vị vẫn không ngại thời tiết, chỉ ngại nhất là tiền thanh toán cho các đợt, chỉ càn tiền thanh toán đúng tiến độ thì đơn vị tăng ca làm đạt được tiến độ đề ra.

Gặp và trao đổi với chúng tôi tại dự án, một chuyên gia đầu ngành chia sẻ, hiện tượng sạt lở biển Cửa Đại, TP. Hội An đã xảy ra từ trước, đặc biệt nghiêm trọng hơn trong thời gian mấy năm trở lại đây. Việc khắc phục như thế này chỉ mang tính chất tạm thời, đối phó, hư đâu sửa đó. Để hạn chế tình trạng nước biển sâm thực thì cần phải có giải pháp vẹn toàn, phải thành lập đoàn khảo sát, nghiên cứu tìm gia nguyên nhân chính, thì mới có giải pháp tốt. Trước đây nhiều chuyên gia cũng đã cảnh báo, việc cấp phép khai thác cát tràn lan, không phù hợp với quy luật dòng chảy, không hợp lý trong quy hoạch ở các sông phía thượng lưu, làm thiếu hụt lượng cát bồi lắng phía hạ du, cũng là trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng nước biển sâm thực bờ.

“Thực tế cho thấy, đại đa số các mỏ được chọn từ doanh nghiệp đề xuất lên đều nhờ vào sự chỉ điểm của cán bộ địa chính địa phương, sau khi tham dò chủ trương, đường lối thấy thuận lợi thì doanh nghiệp cho bắt tay vào làm thủ tục. Trải qua các bước đúng như trình tự của luật khoán sản quy định cộng với “phép màu quyền lực” mọi việc xem như đầu xuôi đuôi lọt. Nếu như tất cả các mỏ cát được cấp phép dựa trên quy hoạch, đã được các người cho chuyên môn nghiên cứu cẩn thận, phù hợp với địa hình, phù hợp với dòng chảy thì tình trạng gây sạt lở vùng bờ cũng sẽ được hạn chế. Nhưng việc chọn vị trí và khoanh vùng mỏ đều do cán bộ cấp đại phương tham mưu nên vị trí có phần bất cập. Chưa hết, hầu hết, các mỏ cát sau khi được cấp phép, thì doanh nghiệp triển khai thác vô tội vạ, khai thác vượt độ sâu, ngoài vùng cấp phép, trữ lượng khai thác vượt rất nhiều lần so với trữ lượng cấp phép, trữ lượng khai thác nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan chức năng, điều này vừa làm thất thoát tài nguyên, vừa chính là nguy cơ cao gây nên sạt lở bờ”, một cán bộ Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam chia sẻ thêm.      

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Khẩn trương khắc phục kè biển Cửa Đại trước mùa mưa bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO