Theo đó, bão số 9 có tên Molave đã hình thành trên vùng biển phía Đông Philippin vào ngày 25/10/2020 và sẽ đi vào biển Đông trong ngày 26/10/2020. Dự báo bão sẽ di chuyển rất nhanh, có cường độ rất mạnh và phạm vi ảnh hưởng khá rộng, gây mưa to đến rất to cho các tỉnh Trung Bộ.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình mưa lũ để chủ động ứng phó kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Các địa phương ven biển tổ chức nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi (bao gồm cả ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ) |
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các địa phương ven biển tiếp tục tổ chức nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi (bao gồm cả ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ); thông báo cho tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển và vị trí của bão để chủ động di chuyển vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn, không đi vào phạm vi ảnh hưởng hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm; thường xuyên kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi.
Đình hoãn các cuộc họp không liên quan đến công tác chỉ đạo phòng chống bão lũ cho đến khi bão tan. Lãnh đạo các sở, ban ngành, thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp tổ chức đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó theo địa bàn đã được phân công.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai ngay các biện pháp chỉ đạo nhân dân và các cơ quan đóng trên địa bàn tổ chức chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, kho tàng, các trường học, cơ sở y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, chằng néo và có các biện pháp bảo vệ trụ ăng ten… đảm bảo an toàn; cắt tỉa cành, chằng chống cây tránh ngã đổ; khai thông cống rãnh để hạn chế thiệt hại do mưa lũ. Hoàn thành trước 18 giờ ngày 27/10.
Các địa phương ven biển, cửa sông sẵn sàng phương án sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu do ảnh hưởng của bão. Chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân, khách du lịch ven biển, các đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy hải sản. Hướng dẫn tàu thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu tránh bão trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bao an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản hải sản. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè. Hoàn thành trước 18 giờ ngày 27/10.
Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm tràn… để thực hiện các biện pháp cảnh báo (cắm biển báo, khoanh dây xác định khu vực nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn...) để nhân dân biết, chủ động phòng tránh, hạn chế đi lại. Chủ động phương án thực hiện sơ tán, di dời nhân dân đến nơi an toàn đối với những khu vực ngập sâu, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét.
Vừa qua đợt lũ lụt, Quảng Nam chuẩn bị ứng phó với bão số 9 |
Tổ chức kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du hồ chứa; chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước thực hiện kiểm tra, quan trắc đập để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra; trong đó đặc biệt lưu ý đến các hồ chứa thủy lợi đã tích đầy nước. Thông báo cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình, nhất là các công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, các hồ chứa nước, chủ các phương tiện vận tải thủy, các đơn vị khai thác khoáng sản biết thông tin về tình hình bão và mưa lũ để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản và các phương tiện.
Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam thực hiện các bản tin dự báo, cảnh báo tình hình, diễn biến của mưa, bão và thu thập, phân tích thông tin số liệu cung cấp cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan phục vụ kịp thời công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn.