Cát xây dựng khan hiếm
Sau Tết nguyên đán đến nay, nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng tại Quảng Nam cho biết không có cát để đáp ứng nhu cầu xây dựng. Cũng vì không có nguồn cung nên giá cát tăng mạnh khiến người dân, doanh nghiệp điêu đứng. Khảo sát các cửa hàng, điểm bán vật liệu xây dựng trên địa bàn TP. Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) cho thấy, giá cát tăng mạnh từ 50.000- 100.000 đồng/m3 (tùy loại). Theo khảo sát, giá của vật liệu cát xây dựng hiện đang có giá từ 350.000 - 400.000 đồng/m3. Trong khi đó, thời gian trước Tết, giá chỉ từ 250.000 – 300.000 đồng/m3.
Chị Diễm, đại diện điểm bán vật liệu xây dựng trên đường Duy Tân (TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) cho rằng, giá cát xây dựng sau Tết tăng cao chóng mặt. Hiện nay, giá cát tại cửa hàng rơi vào khoảng 350.000 đồng/m3. Tuy nhiên, khó khăn không nằm ở giá mà là nguồn cát nhập về đang thiếu hụt.
“Tình hình giá cát dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới do nhu cầu xây dựng nhiều và đặc biệt là nguồn cung cát thiếu hụt”, chị Diễm chia sẻ.
Hiện nay, cát xây dựng trên thị trường tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công, cũng như hoạt động kinh doanh, xây dựng nhà cửa của người dân, nhà thầu.
Ông Phạm Văn Chính (TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), chủ thầu xây dựng ở TP. Tam Kỳ cho biết, mỗi khối cát khi đến chân công trình có thể lên đến 350.000- 400.000 đồng/m3 (tùy loại). Với việc giá tăng cao và khan hiếm như hiện nay thì doanh nghiệp xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề, khi các hợp đồng đã ký kết với chủ nhà.
“Có thể nói, những người làm xây dựng đang lâm cảnh “chưa làm đã lỗ”, khi nhận những công trình thì rất mừng, nhưng đến khi triển khai thì thua lỗ. Bởi giá vật liệu tăng cao khiến kinh phí luôn vượt quá dự toán”, ông Chính cho hay và mong muốn, cơ quan chức năng sớm có biện pháp để tháo gỡ tình trạng thiếu cát xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những dự án tư nhân gặp khó, nhiều dự án công trên địa bàn tỉnh cũng đang có nguy cơ chậm tiến độ do tình trạng thiếu hụt nguồn vật liệu xây dựng xây dựng.
Vì sao hàng loạt mỏ tạm dừng khai thác?
Theo ông M.T, chủ một đề - pô cát tại TX. Điện Bàn cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay doanh nghiệp chỉ bán một lần để mở hàng còn lại phải đóng cửa vì không có nguồn cung. “Hiện các mỏ ở trên địa bàn đều tạm dừng khai thác nên mình cũng không có nguồn để mua. Tình hình rất khó khăn” – ông M.T cho biết.
Đúng như lời phản ánh của các chủ bán vật liệu xây dựng, tất cả mỏ cát trên địa bàn huyện Đại Lộc và Điện Bàn đều dừng khai thác. Theo lời của ông H. một chủ một doanh nghiệp khai thác cát tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị hiện đang tạm dừng khai thác để tập trung đầu tư đường sá, chấn chỉnh môi trường, khắc phục trạm cân…. Đơn vị sẽ đưa mỏ vào hoạt động sớm nhất.
Mới đây, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh đã chủ trì buổi công bố Quyết định số 466/QĐ-TTCP ngày 29/11/2022 của Tổng Thanh tra về thanh tra việc thực hiện pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, việc cấp phép, khai thác các mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Theo Quyết định 466/QĐ-TTCP, đoàn thanh tra do ông Nguyễn Hồng Giang, Cục trưởng làm Trưởng đoàn. Thời hiệu thanh tra trong thời kỳ 1/1/2016 đến 31/12/2021, khi cần thiết có thể thanh tra trước và sau thời kỳ thanh tra.
Thời gian làm việc trong vòng 60 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra (không kể ngày lễ, ngày nghỉ). Nhiệm vụ, quyền hạn của đoàn thanh tra thực hiện theo Luật Thanh tra và các quy định khác của pháp luật. Qua thanh tra sẽ chỉ ra bất cập, sai phạm (nếu có) để chấn chỉnh, khắc phục nhằm tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Từ quyết định này dư luận đang đặt câu hỏi, phải chăng các mỏ cát ở Quảng Nam cố tình tạm dừng khai thác sau quyết định thanh tra?
Mới đây, để đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản yêu cầu các huyện, thị xã khẩn trương tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các điểm mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường (đá, cát, sỏi) và đất san lấp, xây dựng công trình.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam gửi các huyện, thị xã: Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Bắc Trà My, Tiên Phước, Phú Ninh yêu cầu khẩn trương tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các điểm mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường (đá, cát, sỏi) và đất san lấp, xây dựng công trình đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương và UBND tỉnh phê duyệt Danh mục dự án đầu tư khai thác khoáng sản.
Đồng thời, hướng dẫn các đơn vị trúng đấu giá lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định, trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản để triển khai thực hiện. Các ngành chức năng liên quan theo dõi, hướng dẫn, giải quyết kịp thời các hồ sơ, thủ tục về môi trường, đất đai, đầu tư, cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo thẩm quyền, đúng quy định, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện để cung cấp vật liệu phục vụ thi công các công trình trên địa bàn tỉnh.
Theo bảng số liệu tổng hợp về giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực của Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn hiện có 13 đơn vị, cá nhân đang khai thác cát, sỏi, riêng Đại Lộc có 3 mỏ, Duy Xuyên có 1 mỏ, còn lại chủ yếu ở các địa phương miền núi như Bắc Trà My, Tiên Phước, Đông Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức…