Thánh địa Mỹ Sơn nằm gần làng Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam ở miền Trung Việt Nam, cách Thành phố Đà Nẵng 69 km về phía Tây Nam. Khu Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những khu phức hợp đền thờ Ấn Độ giáo quan trọng nhất ở Đông Nam Á và là di sản quan trọng về văn hóa người Chăm tại Việt Nam. Thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1999.
Quần thể đền tháp Mỹ Sơn là quần thể kiến trúc khảo cổ học với nhiều loại hình kiến trúc phong phú, đa dạng đã tồn tại qua hàng ngàn năm. Tất cả được quy hoạch và đặt trong một cảnh quan thiên nhiên độc đáo với đầy đủ các yếu tố tự nhiên được bảo tồn một cách nguyên vẹn cho đến ngày nay. Tuy nhiên, ở các di tích nhóm tháp K, H, G trải qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, các công trình đã ở trong tình trạng xuống cấp rất nghiêm trọng.
Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị của di sản này trước sự tàn phá của thời gian là một công việc vô cùng phức tạp. Nhưng bảo tồn, trùng tu di tích sẽ đem lại những hiệu quả tích cực về mặt kinh tế và xã hội, góp phần quan trọng thu hút du khách, tăng các nguồn doanh thu du lịch và dịch vụ, tạo ra sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp xã hội đối với di sản văn hóa truyền thống.
Những năm qua, nhờ thúc đẩy hiệu quả công tác bảo tồn di sản gắn với hợp tác quốc tế sâu rộng đã góp phần để Mỹ Sơn tồn tại và phát huy các giá trị tốt đẹp như ngày nay. Trong đó, thông qua sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế như: Lerici, ILO, MAG, JICA, hãng hàng không ASIANA, Văn phòng UNESCO Hà Nội và Chính phủ một số nước: Italia, Ấn Độ, Nhật Bản…, rất nhiều hạng mục, công trình tại Khu đền tháp này đã từng bước được phục dựng, trùng tu.
Hiện nay, Dự án bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn thực hiện từ năm 2016 theo biên bản ghi nhớ của Chính phủ hai nước Việt Nam và Ấn Độ đã hoàn thành giai đoạn 1. Theo đó, khu tháp K đã hoàn tất việc bảo tồn, tôn tạo đủ điều kiện đưa vào phục vụ khách tham quan du lịch.
Cụ thể, khu tháp H đã được gia cố, chống đỡ vững chắc và tu bổ một số vị trí bị xuống cấp. Các Chuyên gia Ấn Độ đã sử dụng loại gạch được sản xuất bằng nguyên liệu tại chỗ để tu bổ nhóm tháp G. Đến nay, việc tu bổ được triển khai thực hiện theo đúng tiến độ đề ra trong kế hoạch dự án.
Ngoài ra, Trong quá trình tu bổ đã phát hiện được 275 hiện vật các loại, trong đó có những hiện vật đặc sắc của nền điêu khắc Chămpa, phục vụ công tác trưng bày và nghiên cứu lịch sử văn hóa Chăm.