Quảng Bình trước tác động biến đổi khí hậu: Giải quyết nỗi lo sạt lở bờ biển
(TN&MT) - Tỉnh Quảng Bình có bờ biển dài 116km với nhiều khu đông dân cư sống ven biển.
Những năm qua, do tác động của biến đổi khí hậu, triều cường và thời tiết cực đoan, tình trạng sạt lở bờ biển có dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, đe dọa trực tiếp tính mạng và tài sản của người dân, đòi hỏi cần sớm có giải pháp khắc phục.
Nhiều khu vực sạt lở mạnh
Sau cơn bão số 6 vào tháng 10/2022, thôn Tân Định và thôn Hiển Trung (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) xuất hiện 2 điểm sạt lở ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Trong đó, bờ biển bị xâm thực tại thôn Tân Định kéo dài 150m, để lại đồi cát cao và dốc, chỉ còn cách khu dân cư và bến thuyền khoảng 30m. Ở thôn Hiển Trung, bờ biển bị sạt dài 50m, ăn sâu vào đồi cát gần khu vực bến đậu thuyền. Người dân sống bằng nghề đánh bắt cá trên biển gặp nhiều khó khăn khi đưa thuyền từ bờ ra biển.
Được biết, phần sạt lở ăn sâu đã làm hư hỏng một số tàu thuyền của ngư dân, nhiều cột điện chiếu sáng của các thôn bị cuốn và vùi lấp, làm hỏng cả một tuyến đường nhựa. Các loài cây được người dân trồng ven biển nhằm giữ cát như dứa dại, cây phi lao cũng trơ rễ do sạt lở, phần cát bị sóng biển cuốn. Chính quyền địa phương đã gắn biển cảnh báo người dân tại các khu vực nguy hiểm.
Gần đây nhất, vào đầu tháng 5/2023, xói lở nghiêm trọng đã xảy ra tại bờ biển phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn. Bị ảnh hưởng nhiều nhất là khu vực tổ dân phố Tân Mỹ khi có khoảng 2,5km bờ biển bị xâm thực mạnh, có chỗ bị xói lở vào tận vườn nhà dân, uy hiếp trực tiếp cuộc sống người dân. Một số khu vực sóng đánh trơ rễ nhiều cây phi lao, tạo thành những hàm ếch khoét sâu dưới chân đường giao thông, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Có chỗ sóng biển xâm lấn đánh sạt vườn, nứt tường nhà dân bên bờ, người dân phải tự cứu bằng cách dùng đá hộc, xây kè bảo vệ vòng ngoài.
Lãnh đạo UBND phường Quảng Phúc cho biết, có khoảng 5km bờ biển chạy qua địa bàn bị xói lở. Nghiêm trọng nhất là tổ dân phố Tân Mỹ có xóm Tân với 10 hộ gia đình (40 nhân khẩu) và xóm Tân Hưng với 15 hộ (47 nhân khẩu). Chiều cao sạt lở so với mép nước bình quân trên 2m, có nơi trên 3m nên nguy cơ ảnh hưởng đến các hộ gia đình có nhà tại khu vực ven biển là rất lớn, cánh rừng phi lao phòng hộ ven biển bị sóng đánh bật gốc; các công trình hạ tầng khác của địa phương cũng bị đe dọa.
Ông Trần Xuân Tiến - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cho biết, tính đến thời điểm cuối năm 2022, toàn tỉnh có 6 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài khoảng 4,8km. Những điểm sạt lở tập trung tại các cửa sông là khu vực có đông dân cư và các công trình hạ tầng quan trọng. Trong khi đó, một số điểm sạt lở khác dọc bờ biển các xã thuộc huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy lại diễn ra khá bất thường, mang tính đột biến, làm thu hẹp các đồi cát bảo vệ ven biển. Với diễn biến bất thường của thời tiết thì việc biển tiếp tục lấn sâu vào đất liền hoặc xuất hiện thêm các điểm sạt lở mới hoàn toàn có thể xảy ra.
Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển
Thống kê cho thấy, khu vực miền Trung hiện có hơn 60 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài khoảng 95km, kéo dài từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận. Xuất hiện từ nhiều năm trước, nhưng từ năm 2020 đến nay, thực trạng này diễn ra với tốc độ nhanh, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm. Nguyên nhân được xác định là do các tỉnh miền Trung có địa hình nhỏ hẹp, hệ thống sông suối ngắn, dốc, dễ thay đổi dòng chảy. Ngoài yếu tố địa hình, triều cường kết hợp với nhiều loại hình thời tiết cực đoan như lũ, bão, gió mùa là nguyên nhân chính dẫn đến nước dâng cao, gây xói lở, ngập úng kéo dài.
Trước tình hình sạt lở tại thị xã Ba Đồn nêu trên, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cùng đoàn công tác đã trực tiếp đến kiểm tra, khảo sát toàn bộ các khu vực bị xói lở dọc bờ biển của phường Quảng Phúc nhằm sớm có giải pháp khắc phục, bảo vệ an toàn bờ biển, ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân. Giám đốc Sở NN&PTNT Mai Văn Minh cũng khẳng định, tuyến kè biển ở khu vực phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn là vấn đề cấp thiết. Sở đã tiến hành khảo sát tình hình để tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất với Trung ương quan tâm. Đồng thời, tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có những giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho người dân trong vùng sạt lở.
Về giải pháp lâu dài, được biết, ngày 2/7/2020, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 2200/QĐ-UBND phê duyệt danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Theo đó, 22 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển với tổng chiều dài hơn 94km thuộc 19 xã, phường ven biển. Trong đó, huyện Quảng Trạch có 6 khu vực, tổng chiều dài trên 12km; thị xã Ba Đồn có 2 khu vực, tổng chiều dài trên 8km; huyện Bố Trạch có 7 khu vực, tổng chiều dài trên 18km; thành phố Đồng Hới có 3 khu vực, tổng chiều dài trên 15km; huyện Quảng Ninh có 2 khu vực, tổng chiều dài trên 10km và huyện Lệ Thủy có có 3 khu vực, tổng chiều dài trên 26km.
Trong các giải pháp chống sạt lở, sói mòn bờ biển, trồng và giữ rừng là một trong các giải pháp quan trọng nhất. Tháng 12/2022, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Bình đã có Công văn số 3315/BCĐ yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương hoàn thành việc rà soát, lập phương án và xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm về phá rừng và lấn chiếm đất rừng phòng hộ ven biển trái pháp luật từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, UBND cấp xã, các chủ rừng cần tăng cường biện pháp quản lý, bảo vệ rừng ven biển; tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá toàn bộ diện tích rừng phòng hộ ven biển; hiện trạng sử dụng đất; thực trạng quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh hành vi xâm hại rừng phòng hộ ven biển trái pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời và xử lý nghiêm minh trường hợp lấn chiếm, san ủi đất cát ven biển, làm lăng mộ, hồ nuôi tôm, xây dựng các công trình trên đất rừng phòng hộ trái quy định của pháp luật.