Quảng Bình: Nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới đạt trên 18 nghìn tỷ đồng

Thanh Tùng| 15/02/2023 21:23

(TN&MT) - Ngày 15/2, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Ông Đoàn Ngọc Lâm - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Bình, năm 2022, toàn tỉnh có 5 xã phấn đấu về đích nông thôn mới. Hiện nay, có 3 xã đã nộp hồ sơ về Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh để thẩm định, còn 2 xã (Yên Hóa, Tân Hoá của huyện Minh Hóa) không thể về đích nông thôn mới trong năm 2022 do còn nhiều tiêu chí chưa đạt.

Về xã nông thôn mới nâng cao, năm 2022 Quảng Bình có 19 xã phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao. Hiện nay, chỉ có xã Quảng Hải (TX. Ba Đồn) nộp hồ sơ về Văn phòng điều phối để thẩm định xét công nhận. Có 3 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đến nay chưa có xã nào nộp hồ sơ.

1(2).jpg
Quang cảnh hội nghị

Đối với cấp huyện, TX. Ba Đồn và TP. Đồng Hới đang rà soát, hoàn thiện lại hồ sơ đề nghị xét, công nhận cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo các quy định của giai đoạn 2021-2025.

Hiện tại, toàn tỉnh có 36 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; 44 vườn mẫu và 2 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là trên 18.420 tỷ đồng.

Về kế hoạch năm 2023, Quảng Bình phấn đấu có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 14 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới; 37 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; 87 vườn mẫu nông thôn mới. Đồng thời, tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí; quan tâm chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng chưa đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí mới; tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án của Trung ương.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã tập trung phân tích, chỉ ra những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân trong việc triển khai thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với các địa bàn vùng khó khăn, những tiêu chí khó so với bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm nhấn mạnh, chương trình xây dựng nông thôn mới với mục tiêu làm cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng lên. Vì vậy, để đạt được các mục tiêu đề ra, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, người dân hiểu và nhận thức được xây dựng nông thôn mới là sản phẩm trực tiếp của người dân, người dân là chủ thể, là đối tượng thụ hưởng cũng như là nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới, từ đó vận động người dân ủng hộ, chung tay xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất để tăng thu nhập cho người dân, chú trọng phát triển hợp tác xã một cách thực chất trên cơ sở phát triển các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP.

Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể để đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí mới; giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với các xã phấn đấu về đích năm 2023, cần chủ động rà soát, đánh giá thực trạng, xây dựng lộ trình và khẩn trương thực hiện các tiêu chí chưa đạt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình: Nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới đạt trên 18 nghìn tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO