Quảng Bình: Họp đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường biển

04/07/2016 00:00

(TN&MT) - Hôm nay (4/7), UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức cuộc họp bàn đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường biển do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra và bàn các giải pháp khắc phục trong thời gian tới

Chủ tịch tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài chủ trì đánh giá sự cố môi trường biển
Chủ tịch tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài chủ trì họp đánh giá sự cố môi trường biển

Cuộc họp do ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự buổi họp có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên trong Hội đồng đánh giá thiệt hại sự cố môi trường biển tỉnh.

Ngay sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân, thủ phạm gây cá chết hàng loạt ở một số tỉnh miền Trung và giải pháp khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường, phương án đền bù cho ngư dân vùng ảnh hưởng, vào ngày 3/7, UBND tỉnh Quảng Bình đã ra Quyết định thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại sự cố môi trường biển và tổ chức cuộc họp nhằm đưa ra những giải pháp tổng thể để khắc phục sự cố và ổn định sản xuất phù hợp với quy định và thực tế ở các địa phương trong tỉnh.

Với bờ biển dài 116 km và ngư trường và vùng đặc quyền kinh tế hơn 20.000 km2 nên thiệt hại về môi trường và nguồn lợi thủy sản hết sức to lớn, trong đó môi trường sống của các loại thủy hải sản bị phá hủy, có một số loại thủy sản gần như tuyệt chủng và sản lượng khai thác thủy sản giảm từ 40 đến 60%. Tổng thiệt hại ước tính đến hết tháng 6 của toàn tỉnh là 2.662 tỷ đồng và đến hết năm 2016 là khoảng 4.000 tỷ đồng trên tất cả các lĩnh vực.

Tại cuộc họp các thành viên Hội đồng đánh giá thiệt hại sự cố môi trường biển của tỉnh đã tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến về một số vấn đề liên quan đến việc đánh giá chính xác giá trị thiệt hại, và các giải pháp hỗ trợ kịp thời, công bằng và cho các đối tượng bị ảnh hưởng như: cần xác định và đặt ra tiêu chí thiệt hại theo từng lĩnh vực để có đánh giá chính xác, công bằng; phải thành lập tổ giúp việc cho Hội đồng để việc đánh giá sát thực tế; số liệu thống kê thiệt hại cần chi tiết, chính xác và cụ thể theo từng lĩnh vực; các địa phương rà soát lại đối tượng bị thiệt hại và mở rộng thêm đối tượng để tránh trường hợp bỏ sót; phải thống nhất các tiêu chí và cách tính thiệt hại từ Trung ương cho 4 tỉnh bị ảnh hưởng...

Phát biểu tại buổi họp, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Sự cố môi trường  biển do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng và sâu rộng đến đời sống, tâm lý của từng người dân trong tỉnh. Đặc biệt, ngành nông nghiệp và du lịch đã bị tác động khủng khiếp, nhất là ngành du lịch của tỉnh đã thực sự bị đình trệ.

Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương cần triển khai thực hiện việc đánh giá thiệt hại theo nguyên tắc đảm bảo chính xác, đúng luật và công bằng cho người dân; việc đánh giá thiệt hại không chỉ đến cuối năm 2016 mà cần đánh giá đến cả những năm tiếp theo và lâu dài; Hội đồng đánh giá cần tham khảo hướng dẫn các tiêu chí đánh giá của các Bộ, ngành Trung ương và 3 tỉnh bị ảnh hưởng để có sự thống nhất chung; việc đánh giá phải đầy đủ, khống bỏ sót và các tiêu chí đánh giá thiệt hại phải thống nhất theo từng lĩnh vực và từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, các huyện, thị xã, thành phố chủ động đánh giá, tổng hợp đến ngày 10/7 để báo cáo với tỉnh và ngày 15/7 tỉnh sẽ hoàn thành số liệu để báo cáo Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương.

Cùng với đó, các các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 1138/QĐ-TTg ngày 26/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường. Bên cạnh đó, Chủ tịch tỉnh giao trách nhiệm cụ thể cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Quảng Bình phối hợp với Sở Tài chính thực hiện chính sách hỗ trợ, nguồn vốn cho vay các tổ chức, đơn vị, cá nhân hoạt động kinh doanh thu mua hải sản; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiếp tục làm việc với các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, phát triển thu hút khách du lịch; Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên thông báo số liệu quan trắc chỉ số môi trường biển 2 lần/tuần cho nhân dân; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc trực tiếp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để xác định mức độ an toàn của nước biển từ bờ trở ra 20 hải lý đã sạch hay chưa và được khai thác trở lại an toàn chưa để có giải pháp cho ngư dân và cả người tiêu dùng.

Tin & ảnh: Lan Anh – Quỳnh Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình: Họp đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO