Quảng Bình: Chú trọng tính hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn Quỹ phát triển đất

Thanh Tùng| 15/03/2023 16:13

(TN&MT) - Quỹ phát triển đất của địa phương do UBND cấp tỉnh thành lập, có chức năng nhận vốn từ nguồn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất để ứng vốn và chi hỗ trợ trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tạo quỹ đất và phát triển quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tại Quảng Bình, những năm qua, hoạt động hiệu quả của Quỹ phát triển đất đã góp phần tăng thu cho ngân sách địa phương.

Ứng vốn cho 61 dự án tạo quỹ đất

Thống kê cho thấy, năm 2022, toàn tỉnh Quảng Bình đã triển khai thực hiện 61 dự án tạo quỹ đất được ứng vốn Quỹ phát triển đất với tổng mức đầu tư là 3.130 tỷ đồng; bình quân 52 tỷ đồng/dự án. Trong đó, tại địa bàn TP. Đồng Hới có 23 dự án; tại các huyện, thị xã có 46 dự án. Tổng lượng quỹ đất các dự án nêu trên đã đưa ra đấu giá trong năm 2022 là 1.600 lô, với tổng giá trị giá khởi điểm là 1.955 tỷ đồng. Kết quả, đấu giá thành công 1.108/1.600 lô, giá trúng đấu 1.723 tỷ đồng, chiếm 35,3% trong tổng thu tiền sử dụng đất năm 2022, tăng 38,8% so với giá khởi điểm.

Trong kết quả đấu giá thành công, tổng lượng quỹ đất đưa vào đấu giá tại TP Đồng Hới là 255 lô với giá khởi điểm 622 tỷ đồng, kết quả tiêu thụ được 186 lô, với giá sau đấu 568 tỷ đồng/giá khởi điểm 442 tỷ đồng (tăng 126 tỷ đồng, tương đương 28,59% so với giá khởi điểm), chiếm 32,9% so với tổng thu toàn tỉnh của những dự án tạo quỹ đất nhà nước đầu tư.

Tại địa bàn các huyện, thị xã, tổng lượng quỹ đất đưa vào đấu giá là 1.345 lô, giá trị 1.332 tỷ đồng, kết quả tiêu thụ được 922 lô với tổng giá sau đấu 1.156 đồng/giá khởi điểm 812 tỷ đồng (tăng 344 tỷ đồng, tương đương 42,4% so với giá khởi điểm), chiếm 67,1% trong tổng thu toàn tỉnh của những dự án tạo quỹ đất nhà nước đầu tư.

anh-1(4).jpg
Hình ảnh một dự án đấu giá quyền sử dụng đất tại huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Thanh Tùng

Kết quả đấu giá khả quan đã giúp nguồn thu tiền sử dụng đất năm 2022 của tỉnh Quảng Bình tăng mạnh. Tổng hợp từ các đơn vị, địa phương cho thấy, tổng thu tiền sử dụng đất năm 2022 toàn tỉnh đạt 4.881,1 tỷ đồng, tăng 52,1% so với năm 2021. Nếu tính cả số thu của năm 2021 chuyển sang năm 2022 là 463,5 tỷ đồng thì tổng thu tiền sử dụng đất lũy kế đến cuối năm 2022 là 5.344,6 tỷ đồng, trong đó nộp vào ngân sách nhà nước là 5.019,1 tỷ đồng.

Trong kết quả thu này, thu từ các dự án tạo quỹ đất do các địa phương, đơn vị ứng vốn Quỹ phát triển đất là 1.723 tỷ đồng, chiếm 35,3%; thu từ các lô đất xen cư, xen kẹt, các dự án do các địa phương tự cân đối vốn thực hiện không ứng vốn tại Quỹ phát triển đất, thu khác là 686 tỷ đồng, chiếm 14%; thu từ các dự án xã hội hóa là 2.472 tỷ đồng, chiếm 50,7%.

Tổng thu tiền sử dụng đất qua đấu giá, giao đất tại địa bàn TP. Đồng Hới đạt 550 tỷ đồng, chiếm 11,3% tổng thu tiền sử dụng đất qua đấu giá, giao đất toàn tỉnh; tại các huyện, thị xã là 1.859 tỷ đồng, chiếm 38%. Một số đơn vị, địa phương vượt thu so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao như: Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp thu vượt chỉ tiêu 30% nhờ đấu giá thành công Dự án Nam Cầu Nhật Lệ 2; huyện Tuyên Hóa thu vượt 184,9%, huyện Quảng Trạch thu vượt 41,5%, thị xã Ba Đồn thu vượt 33,8%.

Sớm đấu giá với các dự án đủ điều kiện

Theo nhận định, 2023 là năm khó khăn đối với nền kinh tế của đất nước nói chung và của tỉnh Quảng Bình nói riêng. Thu tiền sử dụng đất sẽ gặp khó khăn trên cả 3 mặt là thu từ các dự án tạo quỹ đất, các dự án xã hội hoá và thu từ đất xen cư, xen kẹt, chuyển mục đích. Nguyên nhân là số lượng các dự án tạo quỹ đất hiện nay không còn nhiều do tỉnh đã dừng đầu tư dự án mới 2 năm nay. Mặt khác, số dự án còn đang triển khai thi công dở dang cần lượng vốn lớn để hoàn thiện hạ tầng trong khi nguồn vốn luân chuyển của Quỹ hiện nay đang ở mức thấp; hiện giá khởi điểm đưa ra đấu giá của các dự án được định giá dựa trên cơ sở giá đấu thành công khi thị trường sôi động nên rất cao, một số dự án không có người tham gia.

Quảng Bình hiện có 61 dự án phát triển quỹ đất đấu giá đang nợ vốn ứng Quỹ phát triển đất với tổng dư nợ theo vốn đã giải ngân là 792,6 tỷ đồng. Trong đó: Thị xã Ba Đồn: 209 tỷ đồng; Huyện Quảng Trạch: 157,6 tỷ đồng; Huyện Lệ Thủy: 152,8 tỷ đồng; Huyện Tuyên Hoá: 91 tỷ đồng; UBND TP. Đồng Hới: 54,6 tỷ đồng; Huyện Bố Trạch: 47,6 tỷ đồng, Sở xây dựng 7,9 tỷ đồng; Huyện Quảng Ninh: 4,7 tỷ đồng; Huyện Minh Hóa: 0,5 tỷ đồng…

Trong khi đó, chỉ tiêu dự toán thu tiền sử dụng đất HĐND tỉnh giao năm 2023 của toàn tỉnh là 3.000 tỷ đồng bằng 59,7% so với thực hiện năm 2022. Cơ cấu giao chỉ tiêu tại các địa phương tương đương so với các năm trước, cụ thể: Tại địa bàn TP. Đồng Hới chiếm 43,3%, Ba Đồn 9,3%, Bố trạch 11,5%, Quảng Trạch 9%, Lệ Thủy 9,4%, Quảng Ninh là 15,8% và 2 huyện Tuyên Hóa, Minh hóa chỉ chiếm trên dưới 1%.

Đánh giá khả năng thực hiện chỉ tiêu thu tiền sử dụng đất của các dự án ứng vốn Quỹ phát triển đất năm 2023, ông Phan Ngọc Tình, Phó Giám đốc Quỹ phát triển đất tỉnh Quảng Bình cho biết, trong năm 2023, toàn tỉnh có 70 dự án đang triển khai ứng vốn Quỹ phát triển đất với tổng lượng quỹ đất cũ và quỹ đất mới dự kiến tạo ra trong năm khoảng 6.437 tỷ đồng. Căn cứ kế hoạch đấu giá thu tiền sử dụng đất của các đơn vị, địa phương, trên cơ sở tiến độ thực hiện hoàn thành các dự án, Quỹ dự kiến lượng quỹ đất đủ điều kiện đưa vào đấu giá trong năm 2023 là 4.290 tỷ đồng và dự kiến khả bán được khoảng 1.771 tỷ đồng, đạt 41,2% trong tổng số lượng quỹ đất đưa ra đấu giá.

Để hoàn thành chỉ tiêu này, ông Phan Ngọc Tình cho rằng, UBND tỉnh cần chỉ đạo các địa phương, đơn vị được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư dự án tạo quỹ đất khẩn trương tổ chức đấu giá thu tiền sử dụng đất ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm đối với các dự án đã hoàn thành hạ tầng, đủ điều kiện đấu giá; Sau khi tổ chức đấu giá mà không có người tham gia thì kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xin điều chỉnh giá lại phù hợp với mặt bằng giá đất hiện nay và tổ chức đấu giá lại.

Đối với các dự án đang triển khai thi công có khối lượng tại hiện trường đã hoàn thành đạt trên 50%, các chủ đầu tư phối hợp với Quỹ phát triển đất báo cáo với UBND tỉnh bố trí vốn, giải ngân vốn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành để sớm đưa quỹ đất vào đấu giá. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị sau khi đã đấu giá có nguồn thu cần sớm hoàn trả cho Quỹ để Quỹ tiếp tục tạm ứng cho các dự án đang thi công dở dang nhằm sớm hoàn thành đưa ra đấu giá, trong đó ưu tiên tái bố trí, giải ngân đối với các đơn vị đấu giá hoàn trả no vốn ứng cho Quỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình: Chú trọng tính hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn Quỹ phát triển đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO