Dấu ấn của WTA
Được ví như giải "Oscar của ngành công nghiệp du lịch", WTA là sự kiện uy tín vinh danh những điểm đến nổi bật, những nhà cung cấp dịch vụ du lịch chất lượng hàng đầu thế giới.
Vượt qua nhiều đối thủ xuất sắc, trong đêm trao giải WTA khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ngày 12/10, du lịch Việt Nam đã mang về cúp vàng cho 4 hạng mục bao gồm: Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á, Điểm đến văn hoá hàng đầu châu Á và Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á (dành cho Hội An).
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị hàng không, lữ hành, khu vui chơi giải trí, resort, khách sạn của Việt Nam cũng được WTA 2019 vinh danh ở các hạng mục cấp quốc gia và khu vực. Hầu hết các thương hiệu xuất hiện trong bảng vàng của WTA đều là những cái tên không hề xa lạ với cộng đồng du lịch, như Vietravel với các giải thưởng cho doanh nghiệp lữ hành hay hệ thống nghỉ dưỡng của FLC Group với cú đúp giải thưởng “Khách sạn hội nghị hàng đầu châu Á” cho FLC Halong Bay Golf Club & Luxury Resort và “Khu nghỉ dưỡng biển hàng đầu Việt Nam” dành cho FLC Quy Nhơn Beach & Golf Resort.
Nhiều hơn một chiếc cúp, việc được vinh danh tại WTA nói riêng hay các giải thưởng quốc tế nói chung chính là cách du lịch Việt đang hòa mình vào xu hướng du lịch toàn cầu, hay nói cách khác, nhiều thương hiệu Việt đang cho thấy khả năng đáp ứng một cách hoàn hảo các tiêu chuẩn dịch vụ đang ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.
Những giải thưởng này càng có ý nghĩa quan trọng hơn nếu nhìn vào một trong những bài toán khó mà du lịch Việt đang đối mặt: chỉ có vài triệu USD để quảng bá, dùng như thế nào cho hiệu quả?
Cơ hội nào cho du lịch Việt
Sở hữu xếp hạng về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa tương đối cao nhưng mức chi cho quảng bá du lịch của Việt Nam lại khá thấp. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam chỉ đứng thứ 80 trong danh sách 136 quốc gia về quảng bá cho du lịch. Năm 2017, Việt Nam chi khoảng 2 triệu USD cho quảng bá, trong khi con số này ở Thái Lan là 100 triệu USD, và mức trung bình của nhiều quốc gia khác là 70 – 80 triệu USD.
Nhiều chuyên gia quốc tế từng đề xuất Việt Nam cần nâng chi phí quảng bá lên khoảng 20, 30 triệu USD. Tuy nhiên, con số được xem là khiêm tốn (với quốc tế) này vẫn có thể là bất khả thi trong bối cảnh ngân sách công dành cho quảng bá du lịch của Việt Nam còn nhiều hạn chế.
“Các nước có thể chi hàng chục triệu, hàng trăm triệu USD để quảng bá, nhưng Việt Nam chỉ có "một số ít triệu đô la", làm thế nào để sử dụng số tiền này hiệu quả?” Phó Thủ tướng Võ Đức Đam đặt câu hỏi và cho rằng, không có cách nào khác ngoài việc ưu tiên chất lượng, làm sao để khách du lịch muốn chi nhiều hơn cho những trải nghiệm; và tiếp theo là phải dùng công nghệ thông tin để quảng bá.
Trong hoàn cảnh này, việc các thương hiệu khách sạn, hàng không, lữ hành, khu vui chơi giải trí do tư nhân xây dựng liên tiếp góp mặt trong các giải thưởng quốc tế có thể xem là cơ hội vàng để du lịch Việt gia tăng sự nhận diện cũng như quảng bá trên phạm vi toàn cầu, mà không cần phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách quốc gia.
“Tại nhiều địa phương, chúng ta có thể chứng kiến những doanh nghiệp chiến lược đóng vai trò như “đại sứ du lịch”. Họ tham gia tích cực vào quá trình khẳng định thương hiệu và quảng bá hình ảnh du lịch địa phương đến các thị trường trong, ngoài nước, cũng như gia tăng nhu cầu du lịch và kích cầu du lịch phát triển”, đại diện hệ thống FLC Hotels & Resorts cho hay.
Cũng theo vị đại diện này, các giải thưởng quốc tế uy tín hiện đang được cộng đồng du lịch xem như chỉ dẫn hoặc bảo chứng đáng tin cậy khi đánh giá về một điểm đến hay một thương hiệu nào đó. Việc các quần thể du lịch Việt ghi dấu ấn trên các bảng xếp hạng khắt khe của thế giới là một trong những phương thức hiệu quả để mang đến ấn tượng tốt đẹp cho du khách ngay từ khi họ đang tìm kiếm về Việt Nam.