Máy móc hay hành dân?
Phản ánh tới Báo TN&MT, bà Nguyễn Thị Ngọc Thảo (Khu tập thể F361 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, ngày 1/2/1993, gia đình bà có mua lại một ngôi nhà cấp 4 trên mảnh đất rộng 151 m2 của ông Nguyễn Quang Minh (có giấy tờ mua bán).
Năm 1997, gia đình bà Thảo làm hồ sơ xin cấp phép xây dựng trên diện tích khu đất này. Thời điểm đó, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ và Chủ tịch Mặt trận tổ quốc phường Yên Phụ đã xác nhận gia đình bà Thảo mua lại nhà và đất của ông Nguyễn Quang Minh từ năm 1993, không có tranh chấp và nguồn gốc đất là đất nông nghiệp.
Quận Tây Hồ liệu có "hành" dân khi giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân? (phần khoanh đỏ là đất nhà bà Thảo) |
Ngày 8/11/1997, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội đã cấp phép xây dựng cho công trình nêu trên với nội dung: Cải tạo nhà cũ 1 tầng cấp IV thành nhà ở gia đình cao 3 tầng có tầng trệt. Năm 2011, gia đình bà Thảo đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (dân vẫn quen gọi là sổ đỏ - PV) nhưng quá trình thụ lý hồ sơ, bà luôn bị quận Tây Hồ làm khó, cố tình kéo dài thời gian thụ lý hồ sơ.
Bà Thảo bức xúc cho biết: “Lần đầu tiên, quận Tây Hồ lấy cớ thửa đất nhà tôi vướng quy hoạch mở đường để trả hồ sơ. Tôi phải chạy đôn chạy đáo xin xác nhận của Sở Quy hoạch và Kiến trúc về việc thửa đất không nằm trong quy hoạch. Những tưởng thế là xong nhưng quận Tây Hồ tiếp tục trả hồ sơ lần thứ hai vì cho rằng tôi là đối tượng vi phạm pháp luật đất đai sau ngày 15/10/1993 nên phải hoàn thiện lại hồ sơ”.
Sau rất nhiều buổi đối thoại giữa lãnh đạo quận Tây Hồ và gia đình bà Thảo, tháng 11/2014, quận Tây Hồ cuối cùng đã ban hành Quyết định số 3701/QĐ-UBND về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu đất ở cho gia đình bà. Tuy nhiên, quyết định này tiếp tục gây tranh cãi vì đã đưa gia đình bà Thảo vào “trường hợp lấn, chiếm hoặc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép theo quy định của pháp luật” và buộc gia đình bà phải thực hiện nghĩa vụ tài chính của đối tượng vi phạm pháp luật đất đai.
Trao đổi xung quanh vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Nghi (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: “Điểm d, khoản 1, Điều 100, luật Đất đai 2013 quy định hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15/10/1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15/10/1993 thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất. Trường hợp bà Thảo có hợp đồng mua bán nhà đất trước 15/10/1993 và được UBND xã xác nhận như vậy thì được cấp giấy chứng nhận mà không phải nộp tiền sử dụng đất”.
Quận và phường “vênh nhau”?
Được biết, trong quá trình giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Thảo, UBND quận Tây Hồ đã yêu cầu UBND phường Yên Phụ thực hiện theo Công văn số 999/UBND-TNMT ngày 26/9/2013 của quận Tây Hồ. Theo nội dung công văn đó, phường Yên Phụ phải liệt gia đình bà Thảo vào trường hợp đất có nguồn gốc là đất nông nghiệp tự ý chuyển mục đích sử dụng sau ngày 15/10/1993 và trước ngày 1/7/2004.
Văn bản của phường Yên Phụ cho rằng, việc áp dụng trường hợp gia đình bà Thảo sử dụng đất sau 15/10/1993 là không phù hợp |
Tuy nhiên, tại Văn bản số 254/CV-UBND(ĐC) ngày 27/9/2014, UBND phường Yên Phụ đã phản bác lại quận Tây Hồ khi cho rằng, căn cứ Luật Đất đai 2013 cùng các văn bản hướng dẫn luật và hồ sơ kê khai bổ sung của gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Thảo “thì việc áp dụng hướng dẫn tại Công văn số 999/UBND-TNMT ngày 26/9/2013 của quận Tây Hồ là không phù hợp”.
Bất chấp ý kiến của UBND phường Yên Phụ, ngày 24/11/2014, quận Tây Hồ vẫn ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà và đất ở cho bà Nguyễn Thị Ngọc Thảo theo hướng gia đình bà tự ý chuyển mục đích sử dụng đất sau ngày 15/10/1993 và trước ngày 1/7/2004 (và phải nộp tiền sử dụng đất).
Xung quanh vấn đề trên, đại diện Phòng TN&MT quận Tây Hồ thông báo cho phóng viên qua điện thoại rằng: “Vụ việc này đã kéo dài nhiều năm, nhiều ban ngành của thành phố đã chuyển đơn về quận giải quyết. Quận cũng đã trả lời kiến nghị của bà Thảo tại Văn bản số 283/UBND-TNMT ngày 20/4/2015 và cho đến nay mọi chuyện vẫn thế, không có gì mới để cung cấp thêm thông tin”.
Đáng nói ở chỗ, bà Nguyễn Thị Ngọc Thảo cho rằng Văn bản số 283/UBND-TNMT ngày 20/4/2015 đã viện dẫn thiếu nhiều nội dung để làm sai lệch bản chất vụ việc. Quận Tây Hồ cố tình không thừa nhận ý kiến của lãnh đạo phường Yên Phụ vào năm 1997 khi họ xác nhận tôi mua nhà và đất của ông Nguyễn Quang Minh từ năm 1993. Quận Tây Hồ đã cắt xén những lời xác nhận đó để củng cố cho quan điểm là tôi sử dụng nhà đất sau 15/10/1993. Điều này rất vô lý và tôi đã đấu tranh tới tận bây giờ nhưng quận Tây Hồ đều bất hợp tác, không giải quyết cho dân.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin...