Quản lý và vận hành hồ chứa: Chủ động phòng ngừa sự cố

30/07/2019 09:11

(TN&MT) - Câu chuyện đảm bảo an toàn hồ chứa, nhất là các đập, hồ thủy điện tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu với người dân vùng hạ du.

Trước thực tế mùa mưa bão đang đến gần, trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Châu Trần Vĩnh (ảnh) - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước cho biết: Cục đã, đang và sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về tài nguyên nước, các quy định của giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt đối với các hồ chứa không thuộc các quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông, bảo đảm an toàn công trình, điều tiết giảm lũ, dòng chảy tối thiểu, nhu cầu sử dụng nước ở hạ du theo quy định, bảo đảm không gây lũ, lụt, ngập úng nhân tạo, không gây xói lở lòng, bờ bãi sông. 

01 namj2796
Ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước


 PV: Thưa ông, từ khi có Quy trình vận hành liên hồ, tình hình điều tiết nước tại các hồ chứa trong mùa lũ phát huy hiệu quả đến đâu?

Ông Châu Trần Vĩnh:

Trong 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa đã quy định rất cụ thể việc trong mùa lũ các hồ chứa lớn phải dành 1 dung tích cố định để tham gia cắt, giảm lũ cho hạ du, mặc dù, đa số các hồ khi thiết kế, xây dựng không có nhiệm vụ này. Tổng dung tích phòng lũ, cắt giảm lũ cho hạ du theo quy định của các Quy trình khoảng 9,87 tỷ m3, bằng khoảng 27% tổng dung tích hữu ích của các hồ (có lưu vực tỷ lệ này 45%, 68%). Trong mùa lũ trên các lưu vực sông những năm qua vừa qua, đặc biệt là trong các trận lũ lớn xảy ra năm 2016 - 2017, các hồ chứa đã vận hành điều tiết, giảm lũ đáng kể cho hạ du, thậm chí, có  một số hồ được đảm bảo toàn bộ trận lũ đến hồ chứa, giảm khả năng gia tăng mực nước hạ du do mưa lũ gây ra.

Cụ thể, trên lưu vực sông Hương các hồ chứa Hương Điền và Bình Điền đã vận hành cắt, giảm được từ 70 - 80% lưu lượng đỉnh lũ và 70 - 100% tổng lượng lũ, đặc biệt có trận lũ lớn với lưu lượng đỉnh lũ 5,140 m3/s, các hồ đã cắt gần như hoàn toàn lưu lượng lưu lượng đỉnh lũ và giảm được khoảng 70% tổng lượng lũ.

Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, các hồ chứa A Vương, Sông Bung 4, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 đã vận hành cắt giảm lưu lượng đỉnh lũ từ 50 - 100% và từ 45 - 95% tổng lượng lũ.

Lưu vực sông Trà Khúc, trong các trận lũ này, hồ Đắkđrinh đã cắt, giảm khoảng 700 - 90% lưu lượng đỉnh lũ, trong đó có trận lũ lớn. 

Lưu vực sông Kôn, hồ Định Bình đã cắt giảm được khoảng 60% lưu lượng đỉnh lũ và tổng lượng lũ đến hồ. 

Lưu vực sông Ba, lưu lượng đỉnh lũ về hồ Sông Ba Hạ khoảng 12.850 m3/s, về hồ Sông Hinh 1.800 m3/s, hai hồ này đã phối hợp vận hành giảm lũ cho hạ du, kết quả là giảm được khoảng 28% lưu lượng đỉnh lũ đến các hồ.

Đối với lưu vực sông Hồng, do các hồ đều có nhiệm vụ phòng chống lũ cho hạ du, nên thời gian qua, toàn bộ các cơn lũ trên lưu vực sông đều đã được các hồ tham gia cắt lũ toàn bộ.

Tuy vậy, các hồ chứa trong quy trình vận hành liên hồ chứa chỉ có thể cắt, giảm lũ cho các địa phương ở khu vực hạ du chịu ảnh hưởng bởi sự điều tiết của các hồ mà không thể giải quyết được toàn bộ các vấn đề lũ lụt phía hạ du trên toàn bộ lưu vực sông. Tình trạng lũ lụt xảy ra ở một số địa phương trong thời gian qua không chỉ xảy ra ở hạ lưu các hồ chứa trong quy trình, mà còn xảy ra ở một số lưu vực sông ven biển, hoặc những lưu vực sông không nằm trong phạm vi ảnh hưởng điều tiết cắt, giảm lũ của các hồ chứa trong quy trình.
 

T3


PV: Việc phối hợp vận hành của các hồ chứa lớn trên lưu vực sông đã góp phần quan trọng trong việc giảm lũ cho hạ du. Tuy vậy, theo phản ánh từ các địa phương, còn có những bất cập trong vận hành. Đó là những bất cập gì, thưa ông?

Ông Châu Trần Vĩnh:

Thực tế cho thấy, còn một số bất cập trong công tác vận hành theo các quy trình, có thể kể đến như: quy định chưa rõ ràng về thẩm quyền quyết định vận hành hồ chứa đối với từng tình huống cụ thể; công tác dự báo dòng chảy đến hồ của các chủ hồ còn yếu và thiếu chính xác; năng lực chỉ đạo điều hành hồ của một số địa phương còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan, giữa các chủ hồ còn chưa chặt chẽ, kịp thời; việc huy động của hệ thống điện còn bất cập,… Những bất cập đã làm giảm hiệu quả công tác vận hành điều tiết nước cắt giảm lũ cho hạ du của các hồ chứa.

 PV: Theo ông, cần có những giải pháp gì để khắc phục những tồn tại đó?

Ông Châu Trần Vĩnh:

Ngoài việc thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, chỉ đạo điều hành việc xả nước các hồ chứa thông qua hệ thống giám sát trực tuyến, Cục Quản lý Tài nguyên nước đã và đang tập trung rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các quy định của Quy trình trong mùa lũ và mùa cạn; cập nhật, bổ sung các thông tin, diễn biến về nguồn nước trên các lưu vực sông; cập nhật, bổ sung các thông tin số liệu về hồ chứa trên lưu vực và việc vận hành của từng hồ, nhu cầu về khai thác, sử dụng nước ở hạ du các hồ chứa...

Trên cơ sở đó, chúng tôi nghiên cứu, tính toán các phương án phối hợp vận hành các hồ và bổ sung, điều chỉnh một số nội dung để xây dựng, hoàn thiện Quy trình, cụ thể, bổ sung và làm rõ quy định về các chế độ vận hành hồ, điều kiện thực hiện các chế độ vận hành hồ và trách nhiệm, thẩm quyền quyết định vận hành các hồ trong mùa lũ; bổ sung dấu hiệu để ra quyết định vận hành hồ thực hiện chế độ giảm lũ cho hạ du; bổ sung quy định liên quan đến tình huống bất thường,…

Có thể nói, khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có hệ thống quan trắc tự động, trực tuyến việc vận hành xả nước của các hồ chứa gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ Quy trình; thông tin, dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành thiếu, không đồng bộ, đặc biệt là thiếu các trạm giám sát lưu lượng xả của các hồ chứa. Ngoài ra, còn thiếu trang thiết bị công nghệ, máy móc, nhân lực có năng lực và kinh phí hoạt động.

Đồng thời, để phát huy tối đa hiệu quả cắt, giảm lũ cho hạ du các hồ chứa, hạn chế thấp nhất những thiệt hại mà hạ du phải gánh chịu trong mùa lũ cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt là nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành của các địa phương; nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực dự báo dòng chảy đến hồ của các chủ hồ, đặc biệt là các hồ chứa thủy lợi; nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân phía hạ du các hồ chứa, đập dâng; xây dựng và hoạt động hiệu quả hệ thống cảnh báo mưa, lũ, lụt; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ gây ra.

Ngoài ra, trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường kiểm tra đột xuất, thanh tra và kiên quyết xử lý vi phạm đối với các trường hợp không tuân thủ Quy trình. Đồng thời, cũng cần tăng cường công tác theo dõi, giám sát việc vận hành của các hồ thông qua việc áp dụng công nghệ giám sát vận hành tự động trực tuyến nhằm bảo đảm việc tuân thủ Quy trình, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp vận hành điều tiết, cắt, giảm lũ cho hạ du các lưu vực sông.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý và vận hành hồ chứa: Chủ động phòng ngừa sự cố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO