Quản lý thị trường đặt mục tiêu trở thành lực lượng phản ứng nhanh, hoạt động hiệu quả 24/7

PV| 05/01/2023 16:33

Năm 2023, thay vì kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cả nước sẽ chủ động giám sát, ưu tiên phòng ngừa, đặt mục tiêu trở thành lực lượng phản ứng nhanh, hoạt động hiệu quả 24/7. Trong đó, xác định cấp Đội là hạt nhân trong việc xây dựng người QLTT chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại.

Chiều 5/1, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 theo hình thức trực tiếp. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Cùng tham dự có Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An; Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Lê Thanh Hải; lãnh đạo các đơn vị: Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Cục An ninh kinh tế (Bộ Công An); đại diện các Cục, Vụ trực thuộc Bộ Công Thương cùng đại diện lãnh đạo 63 Cục QLTT các tỉnh, thành phố.

Năm 2022, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng QLTT đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch đấu tranh và tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên thị trường; chú trọng ngăn chặn tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ngay từ tuyến biên giới, trên đường biển, đường bộ, hàng không; đặc biệt là hoạt động kinh doanh xăng dầu và các mặt hàng vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19.

1.quan-ly-thi-truong-dat-muc-tieu-tro-thanh-luc-luong-phan-ung-nhanh-hoat-dong-hieu-qua-247.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự và sẽ có bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Đường đi của hàng giả, hàng lậu chuyển hướng

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và định hướng hoạt động 2023 của Tổng cục QLTT cho biết, trong các tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong thời điểm đó, nhu cầu về thiết bị y tế và các loại thuốc chữa trị Covid tăng cao dẫn đến các hành vi vi phạm liên quan đến mặt hàng này diễn biến phức tạp. Qua kiểm tra, lực lượng QLTT phát hiện các loại thuốc và các mặt hàng thiết bị y tế như que test, khẩu trang, máy đo SPO2... hầu hết không có hóa đơn chứng từ, không có đăng ký lưu hành... được bán tràn lan trên thị trường và các website thương mại điện tử, mạng xã hội với nhiều mức giá khác nhau và không kiểm soát được chất lượng.

Trong bối cảnh dịch bệnh, hành vi tiêu dùng của dân đã thay đổi một cách nhanh chóng, chuyển đổi từ hình thức mua bán trực tiếp sang phương thức trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các công ty, dịch vụ chuyển phát nhanh… “Việc mua bán, giao dịch hàng hóa diễn ra trên môi trường mạng và các kho chứa hàng đặt tại những địa bàn hẻo lánh hoặc tại nhà dân, chung cư khiến cho việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn, trở ngại”, Tổng cục QLTT nhận định.

quan-ly-thi-truong-dat-muc-tieu-tro-thanh-luc-luong-phan-ung-nhanh-hoat-dong-hieu-qua-247_3.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Cũng theo báo cáo, trong năm 2022, cung đường vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thay đổi, chuyển hướng và lắt léo hơn. Bởi, hiện nay, do phía Trung Quốc đã xây dựng tường rào và kiểm soát chặt khu vực biên giới nên tình trạng hàng lậu vận chuyển qua đường mòn, lối mở, khu vực đồi núi giáp biên ở các tỉnh phía Bắc hầu như không có. Thay vào đó, hàng lậu, hàng giả chuyển hướng đi theo các cửa khẩu tại miền Trung, Tây Nam Bộ, thậm chí còn vận chuyển ngược ra phía Bắc.

Trong khi đó, tại thị trường nội địa, qua công tác kiểm tra tại một số địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Bình Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị, Phú Yên... tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

“Hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn được bày bán tại các tuyến phố, chợ truyền thống và tại các trung tâm thương mại lớn”, Tổng cục thông tin và nhận định, hành vi kinh doanh này đã làm ảnh hưởng lớn đến các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính và quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.

Điển hình, thời gian gần đây, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo đồng loạt kiểm tra nhiều cửa hàng tại các trung tâm thương mại và các chợ lớn tại TP. Hồ Chí Minh như Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, chợ Tân Thành phát hiện thu giữ hàng trăm nghìn sản phẩm là túi xách, mắt kính, quần áo, giày dép có dấu hiệu giả các thương hiệu nổi tiếng; 05 kho chứa và xưởng sản xuất, pha chế hàng chục nhãn hiệu dầu gội, sữa tắm giả các thương hiệu với số lượng lớn ở huyện Bình Chánh...

quan-ly-thi-truong-dat-muc-tieu-tro-thanh-luc-luong-phan-ung-nhanh-hoat-dong-hieu-qua-247_2.jpg
Đông đảo đại biểu tham dự Hội nghị

Đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, Tổng cục QLTT cho rằng, năm 2022, hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực này vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là trong các dịp nghỉ lễ. Trong năm, lực lượng QLTT liên tiếp phát hiện các vụ việc vận chuyển, tập kết, chế biến thực phẩm bẩn như thịt, mỡ, nội tạng động vật, trứng non… không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng, có dấu hiệu hư hỏng chuẩn bị đưa ra thị trường để tiêu thụ.

Liên quan đến lĩnh vực xăng dầu, năm 2022, tình hình thị trường rất phức tạp do tác động của cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ucraina; cấm vận dầu khí của Mỹ và các nước EU đối với Nga; cắt giảm công suất của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn... đây là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng không đảm bảo nguồn cung xăng dầu tại một số địa phương, nhất là các tỉnh phía Nam, làm cho tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xăng dầu gia tăng. Trước tình hình này, lực lượng QLTT đã bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tổ chức giám sát 100% các cửa hàng bán lẻ xăng dầu; kiểm tra, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, việc ký cam kết cũng là một giải pháp quan trọng, qua đó đã nâng cao ý thức trách nhiệm tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp, góp phần làm giảm thiểu các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. “Năm 2022 là năm lực lượng QLTT có mặt ở mọi lúc, mọi nơi để tổ chức giám sát đối với hơn 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu trong bối cảnh nguồn cung và giá xăng dầu có nhiều biến động”, Tổng cục QLTT nhấn mạnh.

Tính chung cả năm 2022, lực lượng QLTT cả nước đã thanh, kiểm tra 70.902 vụ; phát hiện, xử lý 43.989 vụ vi phạm (tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021); chuyển cơ quan điều tra 127 vụ việc có dấu hiệu tội phạm (giảm 24% so với cùng kỳ năm 2021). Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 490 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021). Trị giá hàng tịch thu gần 96 tỷ đồng, trị giá hàng hóa áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy hơn 19 tỷ đồng.

quan-ly-thi-truong-dat-muc-tieu-tro-thanh-luc-luong-phan-ung-nhanh-hoat-dong-hieu-qua-247.jpg
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh khái quát lại hoạt động trong năm 2022 của lực lượng Quản lý thị trường

Với số liệu trên cùng những giải pháp, đồng bộ, quyết liệt, trong năm 2022 trật tự thị trường cơ bản được đảm bảo, không xảy ra những vụ việc nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ghi dấu ấn trong nhiều nhiệm vụ mang yếu tố chính trị

Cũng theo báo cáo của Tổng cục QLTT, năm 2022, bên cạnh hoạt động chuyên môn, lực lượng QLTT cũng ghi dấu ấn trong các nhiệm vụ mang yếu tố chính trị. Cụ thể, trong năm, Tổng cục đã hoàn thành kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ 3 Đề án trọng điểm: (01) Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025; (02) Đề án nâng cao năng lực của cơ quan QLTT trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính; (03) Đề án ứng dụng công nghệ số và kỹ thuật tiên tiến nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm công nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên phát triển.

Cùng với đó, Tổng cục cũng thực hiện chủ trương chuyển đổi số toàn diện. Sau 2 năm nghiên cứu, triển khai áp dụng thử, lần đầu tiên Tổng cục QLTT chính thức đưa Hệ thống INS vào việc kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trên môi trường mạng từ ngày 01/2/2022; số hóa danh mục hồ sơ, tài liệu của các đơn vị tại khối cơ quan Tổng cục; xây dựng phần mềm lưu trữ điện tử cho toàn lực lượng QLTT.

Cũng trong năm 2022, Tổng cục QLTT triển khai thí điểm giới thiệu, bổ nhiệm người đứng đầu Cục QLTT cấp tỉnh không phải là người ở địa phương, điển hình Cục QLTT các tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Hải Dương, Khánh Hòa, Hà Nam, Bình Thuận... Đặc biệt, năm qua, Cục QLTT các tỉnh, thành phố đã nêu cao vai trò của người đứng đầu đơn vị. Thực hiện nghiêm túc các nội dung đã ký với Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT về “HAI ĐI ĐẦU, BA CAM KẾT” trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị.

Đáng chú ý, trong năm 2022, Tổng cục QLTT đã tổ chức thi sát hạch đánh giá chuyên môn, nghiệp vụ cho 3.645 công chức cấp Phòng, Đội QLTT. Trong đó, số công chức đạt loại Giỏi là 1.644 công chức (chiếm 45,1%); Khá là 1.837 công chức (chiếm 50,4%); Trung bình là 150 công chức (chiếm 4,1%); Số công chức Không đạt là 14 (chiếm 0,4%).

quan-ly-thi-truong-dat-muc-tieu-tro-thanh-luc-luong-phan-ung-nhanh-hoat-dong-hieu-qua-247_2.jpg
Ghi dấu ấn trong nhiều nhiệm vụ

Xác định đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại là “cuộc chiến” trường kỳ, cần sự phối hợp từ nhiều phía, do đó, năm 2022, lực lượng QLTT cả nước đã phối hợp với lực lượng Công an tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Bình Dương... triệt phá nhiều kho hàng lớn với nhiều sản phẩm hàng hóa các loại có khối lượng và giá trị vi phạm rất lớn. Đặc biệt, với vai trò là thường trực hoặc thành viên của Ban chỉ đạo 389 cấp tỉnh, đến nay, hầu hết Cục QLTT các tỉnh, thành phố đã ký quy chế với cấp ủy chính quyền, địa phương hoặc các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ngoài ra, trong lực lượng, các đơn vị đã chủ động ký quy chế theo cụm, theo tuyến, địa bàn. Điển hình như 20 Cục QLTT các tỉnh phía Nam ký Quy chế quy định công tác phối hợp trong việc tiếp nhận, thông báo và xử lý thông tin, tổ chức kiểm tra và xử lý vi phạm tại địa bàn giáp ranh và hàng năm, tổ chức họp đánh giá kiểm điểm tình hình thực hiện. Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đã ký Quy chế phối hợp với 27 Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Cục Hải quan tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác QLTT tại địa phương.

Liên quan đến công tác truyền thông, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các cơ quan báo chí truyền thông, năm 2022, Tổng cục QLTT đã phát triển mạnh việc tuyên truyền hoạt động công vụ của lực lượng QLTT trên các trang mạng xã hội như Tiktok, Facebook, Youtube; Có thêm nhiều bài viết chuyên sâu về văn hóa công vụ, phân tích về chính sách pháp luật...

Đặc biệt, 2022 là năm lực lượng QLTT kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống (3/7/1957-3/7/2022), hưởng ứng dịp này, Tổng cục QLTT đã tổ chức chuỗi sự kiện liên quan và để lại nhiều dấu ấn như: Cuộc thi viết với chủ đề “Dấu ấn Quản lý thị trường” với gần 200 tác phẩm dự thi, trao giải 34/200 tác phẩm xuất sắc; tổ chức 05 đợt trưng bày Hàng thật - Hàng giả với các chuyên đề khác nhau, mỗi đợt kéo dài từ 5-7 ngày; ra mắt Tạp chí QLTT số đặc biệt; phát động trồng 65.000 cây xanh; thiết kế logo “65 năm truyền thống lực lượng QLTT”; Giải bóng đá nam Tổng cục QLTT; Hoàn thành xây dựng và khởi công một số công trình trụ sở cấp Cục, Đội…

Hướng tới lực lượng phản ứng nhanh, hoạt động hiệu quả 24/7

Khép lại một năm với khá nhiều dấu ấn, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong xây dựng và phát triển lực lượng QLTT, song, Tổng cục QLTT vẫn thẳng thắn nhìn nhận, năm qua, công tác phối hợp giữa Cục QLTT các tỉnh, thành phố chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp, nhất là việc chia sẻ thông tin, giám sát hàng hóa giữa các địa bàn; Một số địa bàn chưa kiểm soát chặt chẽ thị trường, hiệu quả trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm hành chính ở nhiều nơi, đặc biệt là ở một số địa bàn trọng điểm chưa cao, chưa phản ánh hết tình hình thị trường.

Thậm chí, trong quá trình thực thi công vụ, một số công chức QLTT, người lao động vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, vi phạm pháp luật đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, điều này phản ánh ý thức trách nhiệm và trình độ năng lực của một số công chức QLTT còn hạn chế. Ngoài ra, hiệu quả công tác kiểm tra xử lý vi phạm hành chính, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả trên thị trường ở nhiều nơi, đặc biệt là ở một số địa bàn trọng điểm chưa cao. “Những hạn chế, yếu kém như trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh và uy tín của lực lượng QLTT”, báo cáo nêu rõ.

Năm 2023, dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp, nhất là trên môi trường thương mại điện tử. Do vậy, để góp phần bảo đảm thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng QLTT đặt mục tiêu, thay đổi toàn diện phương thức làm việc; chủ động giám sát, ưu tiên phòng ngừa, trở thành lực lượng phản ứng nhanh, hoạt động hiệu quả 24/7 mọi lúc, mọi nơi; Tập trung phòng chống và xử lý hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử; Thực hiện chuyển đổi số toàn diện, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý địa bàn tập trung; Siết chặt kỷ luật công vụ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý đơn vị. Đặc biệt, hướng đến mục tiêu, cấp Đội là hạt nhân trong việc xây dựng người QLTT chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại.

Hiện thực hóa những mục tiêu trên, năm 2023, QLTT cả nước sẽ tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của lực lượng QLTT. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của lực lượng trong năm mới. Ngoài ra, lực lượng cũng tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra công vụ đột xuất đối với công chức, từng đơn vị trực thuộc Tổng cục QLTT; xử lý nghiêm công chức vi phạm, đặc biệt là hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý thị trường đặt mục tiêu trở thành lực lượng phản ứng nhanh, hoạt động hiệu quả 24/7
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO