Quản lý môi trường không khí: Còn những lỗ hổng pháp lý

30/05/2019 10:13

(TN&MT) - Ô nhiễm không khí, nhất là ô nhiễm bụi chưa được quản lý, tầm soát bởi một hệ thống thực thi pháp luật về môi trường, trong khi đó, nước ta có Luật Bảo vệ môi trường nhưng cơ chế xử lý chưa rõ ràng và đảm bảo tính răn đe.

T6
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí cần sự vào cuộc quyết liệt các cấp, ngành, đặc biệt là Bộ GTVT. Ảnh: Hoàng Minh

Khó xác định thiệt hại

Theo pháp luật hiện hành, việc xác định thiệt hại của môi trường không khí được tính chung là môi trường chứ chưa có căn cứ phân định riêng cho thiệt hại của môi trường không khí. Trong khi đó, không khí là một dạng môi trường đặc biệt so với các thành phần môi trường khác, như môi trường đất, nước, do đặc tính khuếch tán của nó.

Hiện nay, việc xác định mức độ thiệt hại được phối hợp thực hiện bởi cơ quan quản lý môi trường, UBND các tỉnh và người bị thiệt hại thông qua việc ước tính tổn thất về tài sản và sức khỏe người dân. Trong một số rất ít trường hợp, có sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn nghiên cứu về môi trường để phối hợp xác định thiệt hại. Thông thường, khi được yêu cầu bồi thường, bên gây thiệt hại sẽ yêu cầu bên bị thiệt hại xác định phạm vi, mức độ thiệt hại một cách cụ thể, chi tiết. Khi vấn đề thiệt hại chưa được xác định rõ, bên gây hại thường chỉ “hỗ trợ” chứ không bồi thường.

Thực tế cho thấy, việc xác định thiệt hại do ô nhiễm môi trường không khí gây ra là không dễ dàng, đặc biệt là khó xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây ô nhiễm môi trường không khí và thiệt hại xảy ra. Do vậy, đến nay, chưa có một cá nhân nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hơn nữa, theo quy định, hành vi xả thải phải đạt một tải lượng nhất định mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong khi đó. việc xác định tải lượng này rất khó đối với môi trường không khí.

Thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật

Chính sách, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí ngày càng hoàn thiện, nhưng vẫn thiếu các quy chuẩn kỹ thuật môi trường không khí đối với mùi và quy chuẩn môi trường không khí trong nhà. Ngoài ra, chúng ta chưa có mức quy chuẩn giới hạn với từng loại bụi, khí. Chẳng hạn đối với bụi PM2,5, hiện nay, quy chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới - WHO giới hạn cho phép của bụi PM2,5 là 10µg/m3. Tuy vậy, quy chuẩn Việt Nam lại giới hạn cao tới 50µg/m3 (gấp 5 lần so với quy chuẩn của WHO). Đây cũng là một trong những bất cập rất lớn hiện nay.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trong khi các quy định về bảo vệ môi trường trong nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại… đều được chú trọng, quy định về quản lý chất lượng không khí hầu như chưa có. Để lượng hóa mức độ thiệt hại của môi trường không khí, làm căn cứ cho việc bồi thường thiệt hại, trước hết cần hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường không khí và các văn bản hướng dẫn thi hành; đồng thời, phải có phương pháp, công cụ chuyên dụng để xác định mức độ thiệt hại do không khí bị ô nhiễm, suy thoái…

Ông Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học, Kỹ thuật Việt Nam cho biết, trong Luật Bảo vệ môi trường hiện hành, phần quy định về môi trường không khí rất ít. Do vậy, cần thiết phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường; cụ thể xây dựng Bộ Luật trong đó có Luật Không khí sạch để kiểm soát chất lượng không khí tốt hơn.

Quản lý môi trường không khí đô thị chưa rõ ràng

Một vấn đề cần sớm được quan tâm, điều chỉnh là chức năng, nhiệm vụ, thể chế và tổ chức quản lý môi trường không khí đô thị chưa rõ ràng, thiếu nhất quán giữa các ngành TN&MT, GTVT, xây dựng… Bộ TN&MT được Chính phủ giao thống nhất đầu mối quản lý Nhà nước về môi trường, trong đó, có môi trường không khí, nhưng kiểm soát ô nhiễm không khí đô thị, cải thiện chất lượng không khí đô thị lại do Bộ GTVT.

Đáng nói là chúng ta đang rất thiếu sự kết hợp quản lý chất lượng không khí giữa Trung ương và địa phương. Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành chưa có sự nhất quán, nhất là việc kiểm soát ô nhiễm không khí trong giao thông đô thị.

TS. Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho rằng, hiện nay, cứ nhắc đến ô nhiễm là mọi người lại đổ lỗi cho ngành TN&MT, trong khi đó, ô nhiễm không khí ở đô thị phần lớn là do các phương tiện giao thông. Mặc dù, Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, đã đưa ra lộ trình kiểm soát khí thải, tập trung vào nguồn khí thải công nghiệp, năng lượng lớn và giao thông nhưng đến nay, lộ trình này chưa triển khai… Do đó, để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí cần sự vào cuộc quyết liệt các cấp, ngành, đặc biệt là Bộ GTVT.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý môi trường không khí: Còn những lỗ hổng pháp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO