Chồng chéo quản lý
Từ năm 2002, Bộ TN&MT đã tiếp nhận chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước từ Bộ NN&PTNT. Nhận trách nhiệm trong bối cảnh các dòng sông liên tỉnh bị đe dọa trước suy thoái môi trường, Bộ TN&MT đã tham mưu cho Chính phủ thành lập các Ủy ban Bảo vệ Môi trường (UBBVMT) lưu vực sông. Đó là UBBVMT lưu vực sông Cầu (năm 2007), UBBVMT lưu vực sông Đồng Nai (năm 2008) và UBBVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy (năm 2009). Các Ủy ban này có chức năng tổ chức chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng để thống nhất thực hiện các nội dung của Đề án Tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái cảnh quan lưu vực sông.
Song song với các tổ chức này, còn có các tổ chức lưu vực sông do Bộ NN&PTNT đã thành lập và quản lý trước đó như Ban Quản lý quy hoạch lưu vực sông (QLQHLVS). Ban Quản lý này là tổ chức sự nghiệp có chức năng quản lý quy hoạch chứ không điều phối, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông. Thậm chí, chức năng quản lý quy hoạch cũng mới chỉ được thực hiện một cách hình thức. Vai trò của Ban QLQHLVS hiện đang rất mờ nhạt trong tham mưu với Bộ, Tổng cục Thủy lợi.
Đối với 3 lưu vực sông Cầu, Nhuệ - Đáy, hệ thống sông Đồng Nai hiện nay, cần hợp nhất Ban/Tiểu ban Quản lý quy hoạch lưu vực sông (Bộ NN&PTNT) và Ủy ban BVMT lưu vực sông (Bộ TN&MT). Đối với các lưu vực sông không có một trong hai tổ chức trên hoặc cả hai thì cần có sự chuyển đổi hoặc thành lập Ủy ban mới. Trên cơ sở đó, đề xuất thành lập 4 Ủy ban lưu vực sông trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam bao gồm: Ủy ban lưu vực sông Hồng - Thái Bình (được xác định theo Nghị định số 201/2013/NĐ-CP) Ủy ban lưu vực sông Bắc Trung Bộ chịu trách nhiệm đối với 9 lưu vực sông: Mã, Cả, Hương, Tống, Yên, Lạch Bạng, Gianh, Bến Hải và Ô Lâu; Ủy ban lưu vực sông Nam Trung Bộ chịu trách nhiệm đối với 9 lưu vực sông: Vu Gia - Thu Bồn, Ba, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh, Lại Giang, Kỳ Lộ, Cái Ninh Hòa và Cái Nha Trang; Ủy ban lưu vực sông Đồng Nai chịu trách nhiệm đối với 8 lưu vực sông: Đồng Nai - Sài Gòn, Cạn, Trâu, Cái Phan Rang, Lũy, Cái Phan Thiết, Dinh, Đu Đủ và Ray. Thành lập cơ quan giúp việc cho các Ủy ban là Văn phòng Ủy ban lưu vực sông đặt tại Bộ TN&MT. |
Chính vì vậy, hiện tượng trên cùng một lưu vực sông, tồn tại 2 tổ chức lưu vực sông khác nhau như: Tại lưu vực sông Cầu, ngoài Tiểu ban Ban Quản lý quy hoạch lưu vực sông Cầu còn có UBBVMT lưu vực sông Cầu, cũng như ở lưu vực sông Đồng Nai tồn tại cả Ban QLQHLVS và UBBVMT lưu vực sông. Vấn đề quản lý và bảo vệ tài nguyên nước, vì vậy, lại bị tách vụn thành nhiều mảng mà chưa có sự quản lý tổng hợp. Trong khi chưa có một tổ chức lưu vực sông đủ năng lực để thực thi việc quản lý tổng hợp, sự phối, kết hợp giữa quản lý nước.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện, có trên 10 tổ chức lưu vực sông tồn tại dưới dạng Ban QLQHLVS, Hội đồng QLLVS được thành lập theo quy định của Luật Tài nguyên nước cũ (năm 1998) và UBBVMT lưu vực sông… Các tổ chức này gồm các đại diện kiêm nhiệm là lãnh đạo một số Bộ, ngành và địa phương liên quan, dẫn tới những hạn chế trong đầu tư nguồn lực và thời gian cho nhiệm vụ quản lý.
Điều đáng nói, các tổ chức này hoạt động theo hình thức hội nghị, thảo luận. Các kết luận, giải pháp của các cuộc họp chủ yếu mang tính khuyến nghị và giá trị hiệu lực không cao.
Hợp nhất, thành lập ủy ban lưu vực sông mới
Ô nhiễm môi trường ở hạ lưu các lưu vực sông lớn, khu vực đô thị càng trở nên trầm trọng. Hiệu quả sử dụng công trình thuỷ lợi thấp đạt khoảng 40 - 60%, tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt cũng như sản xuất nhiều tháng liền như đợt hạn hán ở Tây Nguyên, Ninh Thuận, Bình Thuận… Vì vậy, đã đến lúc cần một “nhạc trưởng” đủ năng lực và quyền hạn để có thể điều phối, giám sát, giải quyết các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do ô nhiễm nước gây ra.
Trong báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia 2018, Chuyên đề “Môi trường nước trên các lưu vực sông”, Bộ TN&MT đã kiến nghị, để quản lý thống nhất tài nguyên nước theo lưu vực sông phải thành lập tổ chức quản lý lưu vực sông. Trong cơ cấu tổ chức quản lý lưu vực sông cần tăng cường cơ chế điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và phòng chống tác hại do nước gây ra trên các lưu vực sông theo quy định của Luật Tài nguyên nước và Luật Bảo vệ môi trường; phải khắc phục những hạn chế, bất cập của các mô hình tổ chức trên lưu vực sông hiện nay nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả phối hợp giải quyết những vấn đề chung, có tính chất liên ngành, liên vùng, liên địa phương trong quản lý nhà nước về tài nguyên nước và BVMT lưu vực sông. Cơ chế này sẽ được hoạt động với sự tham gia của các tổ chức: Ban, Ủy ban hoặc Hội đồng chỉ đạo, điều phối các hoạt động chung của các lưu vực sông; Văn phòng tổ chức và triển khai các hoạt động cụ thể dưới sự chỉ đạo của Ban, Ủy ban hoặc Hội đồng; Mạng lưới chuyên gia tư vấn đa ngành hỗ trợ về kỹ thuật.
Văn phòng Ủy ban lưu vực sông có thể có các phòng chuyên môn với biên chế được bố trí trong biên chế công chức của Bộ TN&MT. Kinh phí hoạt động của Văn phòng được lập trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ TN&MT và từ các nguồn khác gồm: nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, quỹ bảo vệ môi trường, quỹ bảo vệ môi trường rừng, tiền thu từ hoạt động cấp phép khai thác tài nguyên nước, phí xả nước thải vào nguồn nước.
Chung một quyết tâm Các Sở TN&MT trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đề xuất các giải pháp cần thực hiện để BVMT trên lưu vực đạt hiệu quả cao hơn. Ông Đặng Minh Đức - Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai Để nâng cao hiệu quả phối hợp trong xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường liên tỉnh, liên vùng đang tồn tại trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, bên cạnh việc chủ động giải quyết các bất cập tại địa phương mình, các tỉnh, thành trong lưu vực sông Đồng Nai cần thống nhất một số nội dung thực hiện. Cụ thể, có kế hoạch triển khai tốt Quy chế phối hợp số 37; chủ động rà soát các nội dung thực hiện của Quy chế, có phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành, các cấp có liên quan trong thực hiện trách nhiệm phối hợp quản lý, BVMT; giám sát các hoạt động có khả năng gây ô nhiễm môi trường tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh và ở quy mô cấp vùng. Sở TN&MT Đồng Nai kiến nghị Bộ TN&MT sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu các nguồn thải trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, qua đó, kịp thời cập nhật thông tin các nguồn thải phục vụ cho công tác quản lý các nguồn thải liên tỉnh, liên vùng; công bố, công khai các điểm quan trắc môi trường nước mặt tại các tỉnh, thành trên lưu vực để chia sẻ dữ liệu quan trắc môi trường tại các tỉnh trên lưu vực nhằm có các giải pháp BVMT phù hợp giữa các địa phương; thực hiện quy hoạch BVMT tổng thể trên toàn lưu vực theo từng giai đoạn phát triển, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, nhằm hài hòa giữa lợi ích trong phát triển kinh tế với BVMT; hài hòa lợi ích của các địa phương ở thượng lưu và hạ lưu. Bà Nguyễn Thị Hiếu - Giám đốc Sở TN&MT Tây Ninh Để triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế số 37, Sở TN&MT Tây Ninh sẽ phối hợp với Sở TN&MT các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ việc tuân thủ các quy định pháp luật trong lĩnh vực BVMT. Đồng thời, thông báo kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giấy phép ở khu vực giáp ranh cho UBND các tỉnh, thành phố có liên quan. Ngoài ra, Sở TN&MT Tây Ninh sẽ cung cấp thông tin quan trắc chất lượng môi trường định kỳ cho Sở TN&MT các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông về số liệu quan trắc tự động. Xúc tiến ký kết quy chế phối hợp công tác quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh khoáng sản tại khu vực giáp ranh giữa 3 tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh. Trước mắt, đảm bảo an ninh trật tự, tránh tình trạng khai thác cát trái phép, đảm bảo nhu cầu cát xây dựng, duy trì hoạt động khai thác cát phù hợp. Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Các địa phương cần chủ động trong việc giám sát, giải quyết các vấn đề liên quan đến vùng giáp ranh giữa các tỉnh, thành; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật trong lĩnh vực TN&MT; vận hành thường xuyên hệ thống quan trắc nước thải tự động tại cửa xả nước thải của hệ thống xử lý nước thải tập trung ở các khu công nghiệp, các doanh nghiệp có nguồn xả thải lớn trên 1.000 m3. Đồng thời, chia sẻ kịp thời các số liệu quan trắc môi trường về nước thải, khí thải, chất lượng không khí… Riêng trong lĩnh vực khoáng sản, TP.HCM và các tỉnh giáp ranh cần đồng loạt rà soát các quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, giao thông thủy; xem xét đề xuất bổ sung, sửa đổi theo hướng tăng mức xử phạt đối với hành vi khai thác cát trái phép, kinh doanh, vận chuyển cát không rõ nguồn gốc hợp pháp… Đặc biệt, các địa phương cần phối hợp xử lý các phương tiện và người tham gia điều khiển phương tiện khai thác cát trái phép từ địa phương này chạy sang địa phương khác để lẩn trốn khi bị truy đuổi. Ông Lê Hoàng Lâm - Giám đốc Sở TN&MT Bình Phước Để triển khai thực hiện Quy chế số 37 đạt hiệu quả, Sở TN&MT Bình Phước sẽ tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi trái pháp luật; tiếp tục thỏa thuận, bàn giao cho các tỉnh có địa bàn giáp ranh quản lý và cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định; thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt trong hoạt động khai thác khoáng sản; tiếp thu phản ảnh hoạt động khai thác khoáng sản trái phép qua phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời kiểm tra, xử lý. Ông Nguyễn Hồng Nguyên - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bình Dương Để triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế số 37, Sở TN&MT Bình Dương kiến nghị Bộ TN&MT sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải đảm bảo tính thống nhất để các địa phương cập nhật thông tin các nguồn thải có hoạt động sản xuất đóng trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý giám sát, theo dõi, đồng thời, không bị lãng phí vì hiện nay một số địa phương đã thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu của địa phương và có thể không đồng bộ dữ liệu về hệ thống cơ sở dữ liệu chung của quốc gia; sớm ban hành quy định về cấm hoặc hạn chế thu hút các dự án đầu tư vào các địa phương thuộc lưu vực sông Đồng Nai có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với mức độ lớn. |