Môi trường

Quản lý lực lượng thu gom rác tự do: Chính quy hơn, hiệu quả hơn và nhân văn hơn

Việt Hải 22/03/2024 - 18:27

(TN&MT) - Hướng đi nào cho người gom rác tự do là chủ đề đặt ra tại chương trình giao lưu kết nối lực lượng thu gom rác tự do và công nhân môi trường do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội Urenco tổ chức. Chương trình là diễn đàn được mong đợi để những người thu gom rác tự do chia sẻ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình.

z5228174088064_f02a5fd89d339dc7686642458e95e57c-1-.jpg
Chị Nguyễn Thị Huê - đại diện công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội Urenco (phải) và chị Nguyễn Thị Ngân - đại diện lực lượng thu gom rác tự do (trái) tham gia giao lưu tại chương trình

Sự tương đồng xích họ lại gần nhau

Nói về mối quan hệ giữa công nhân môi trường và những người thu gom chất thải (rác) tự do, chị Nguyễn Thị Huê - công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội Urenco cho biết: “Chúng tôi tuy hai mà một, tuy một mà hai”.

Theo chị Huê, sở dĩ có nhận định này vì lực lượng thu gom rác tự do và công nhân môi trường nói chung, công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội nói riêng đều có một phần công việc giống nhau, có chung mục tiêu tiếp cận là rác tái chế, cùng trực tiếp đóng góp vào việc giảm rác thải, hạn chế lãng phí tài nguyên từ phân loại tái chế rác.

Tuy nhiên, ở góc độ xã hội, người thu gom rác tái chế tự do hoạt động độc lập, riêng lẻ. Họ đồng thời tự xác lập công việc, cung đường hoạt động và mối quan hệ với các cơ sở thu mua. Cũng bởi hoạt động độc lập, không được trang bị kiến thức an toàn lao động, cũng không bị tổ chức nào áp dụng quy định về an toàn lao động khi tiếp xúc với rác (là nguồn gây ô nhiễm và gây nguy cơ bệnh tật) nên người thu gom rác tự do hiếm khi tuân thủ bảo hộ. Minh chứng là nhiều người trong số họ không mang khẩu trang khi làm việc, thậm chí không mang găng tay bảo hộ khi tiếp xúc với rác, hoặc có nhưng găng tay không đảm bảo chất lượng.

Chị Phạm Thị Nhung (quê Nam Định) lên Hà Nội theo nghề gom rác tái chế tự do. Khi được hỏi về vệ sinh an toàn lao động, chị nói: “Trước đây làm gì có ai nói cho mình biết nó nguy hiểm thế nào đâu. Thấy các chị công nhân môi trường Hà Nội làm việc ở phường Hàng Mã hướng dẫn phải mang găng tay vào thì mới biết mang găng tay”.

Khác với lực lượng thu gom rác tự do, công nhân môi trường thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội Urenco làm việc theo sự phân công công việc trực tiếp của Tổ Môi trường và Chi nhánh trực thuộc Công ty. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, họ được trang bị kiến thức về môi trường, pháp luật; tập huấn kỹ năng nghề nghiệp và trang bị kiến thức vệ sinh, an toàn lao động, an toàn giao thông, trang bị công cụ, bảo hộ lao động. Hơn thế, được quản trị trong một tập thể có tư cách pháp nhân và uy tín, vì vậy, sứ mệnh đóng góp cho xã hội của họ mang tính phổ quát hơn, trách nhiệm của họ với xã hội có sự ràng buộc hơn, mục tiêu riêng của họ gắn liền với mục tiêu chung, họ thao tác có kỹ năng hơn, an toàn hơn. Cùng với đó, họ được hưởng chế độ chính sách theo quy định của pháp luật và hưởng sự bảo trợ, chăm lo của Công ty.

Rõ ràng, công việc của hai lực lượng có một phần giống nhau nhưng quyền lợi, trách nhiệm, phương thức vận động, các mối quan hệ,… không hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, một phần của sự tương đồng, tương hỗ trong công việc đã xích họ lại gần nhau. Những người nhặt rác tự do phần nào chia sẻ bớt gánh nặng công việc cho công nhân, đối lại, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội Urenco và công nhân của Công ty cũng luôn mở rộng vòng tay, là chỗ dựa lúc khó khăn cho những người thu gom rác tự do.

z5228174093368_5d48c41258d51da3f553f69aa8b0a0e8.jpg
Sự tương đồng, tương hỗ trong công việc giúp họ xích lại gần nhau hơn

Sức hút từ Urenco

Chị Phạm Thị Nhung nói rằng với diện tích thuê trọ chật chội, những người làm nghề thu gom rác tự do như chị không có địa điểm chứa phế liệu trong ngày. Rất may, chị được các công nhân Tổ môi trường tại phường Hàng Mã (Chi nhánh Hoàn Kiếm) nhường cho một góc ở kho chứa dụng cụ. Riêng việc bán phế liệu, chị cho biết: “Trước đây làm việc với vài ba chủ bãi thu mua, mỗi chủ mua một loại nên phải đi lại nhiều vất vả. Bây giờ làm với Urenco, có gì tái chế được là Công ty mua hết chứ không lựa chọn nên tôi xác định sẽ “bỏ mối” lâu dài cho Công ty”.

screenshot_1710494928.png
Trong công tác thu mua phế liệu từ những người thu gom tự do, Công ty Urenco luôn tạo điều kiện mua thường xuyên, ổn định, mua tất cả những gì có thể tái chế được, vì vậy, nhiều người làm nghề thu gom rác tự do xác định bỏ "mối" lâu dài cho Urenco

Chị Nguyễn Thị Ngân ban đầu cũng xuất thân làm nghề thu gom rác tự do. Trong quá trình bán phế liệu thu được, chị thấy các chủ bãi thu mua tự do có sự giao dịch không ổn định cả về mặt hàng phế liệu và giá cả, trong khi làm việc với Urenco, công việc diễn ra theo định kỳ, thu mua thường xuyên, mua hết chứ không lựa chọn từng loại phế liệu hay nâng lên đặt xuống. Sau quá trình làm việc với Urenco, một phần vì công việc có sự tương đồng, một phần vì sự chuyên nghiệp, nghiêm túc của Urenco đã thôi thúc chị trở thành công nhân chính thức của Công ty.

Chị Nguyễn Thị Huê (Tổ môi trường Phùng Hưng) cũng là một trường hợp tương tự. Gia đình chị Huê trước kia làm nghề thu gom phế liệu. Quá trình tiếp xúc với các anh chị công nhân môi trường đã khiến chị nảy sinh mong muốn được vào làm việc tại Công ty. Chị Huê đã bày tỏ nguyện vọng và được Công ty tiếp nhận. Giờ đây, từ một công nhân, chị Huê đã là Tổ trưởng chăm chỉ, gương mẫu. Thời gian qua, Tổ trưởng Nguyễn Thị Huê gây ấn tượng bằng việc huy động anh chị em công nhân xây dựng địa điểm làm việc chung của Tổ sạch đẹp như công viên. Huê cho biết, chính sự tử tế của Công ty Urenco đã thu hút chị, là động lực thôi thúc chị làm việc, không chỉ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn góp phần xây dựng hình ảnh người Urenco ngày càng đẹp hơn, văn minh hơn.

Những người thu góp rác tự do - họ muốn gì

Trao đổi tại Chương trình, chị Nhung chia sẻ, chị mong muốn có một sức khỏe tốt để tiếp tục đi thu gom rác, mong muốn được là khách hàng lâu dài của Urenco. “Giá như được nhận vào làm việc cho Urenco hoặc vào một tổ chức nào đó tương tự như thế để công việc và thu nhập ổn định, có bảo hiểm xã hội là tốt nhất” - chị Nhung bày tỏ.

Cao hơn những mong muốn giản dị đó là ước mơ được tập huấn kỹ năng nghề nghiệp của những người thu gom rác tự do. Họ cho rằng kiến thức về phân loại rác của họ còn sơ sài, chưa tiếp cận được với các văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng; kỹ năng đảm bảo an toàn vệ sinh lao động còn hạn chế nên nhiều người chưa biết tự bảo vệ bản thân mình.

Chị Vương Thị Như Tuyết vốn là công nhân môi trường, khi nghỉ hưu lại tiếp tục theo nghề nhặt phế liệu. Mặc dù thời gian công tác trước đây, chị đã được trang bị kỹ năng làm việc và kỹ năng an toàn lao động. Tuy nhiên, theo chị Tuyết, Luật Bảo vệ môi trường và các nghị định, hướng dẫn bây giờ có nhiều điểm mới, vì thế, chị mong muốn được Công ty Urenco tổ chức các buổi nói chuyện tuyên truyền về pháp luật và tập huấn nghiệp vụ cho những người lao động tự do như chị để các chị có thêm kiến thức, kỹ năng làm việc.

Tại chương trình, TS, KTS Nguyễn Thái Huyền - chủ biên cuốn sách “Đồng nát ở Hà Nội” chia sẻ thông tin về trách nhiệm phân loại rác tại nguồn, về áp dụng trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) với 1 trong 2 hình thức: hoặc là tổ chức tái chế, hoặc là đóng tiền vào quỹ bảo vệ môi trường. Số tiền đó sẽ được trích ra để trả cho những người tham gia vào các công đoạn tái chế, trong đó có thể có những người thu gom rác. Tuy nhiên, nhà sản xuất sẽ không có điều kiện làm việc trực tiếp với từng cá nhân mà phải thông qua đại diện tổ chức.

Liên quan đến nội dung này, chị Tuyết chia sẻ, nếu có một tổ chức như Urenco hoặc tương tự, chị sẵn sàng xung phong và kêu gọi chị em đồng nát tham gia. Trước mắt, trong trường hợp Urenco tổ chức các lớp đào tạo tập huấn cho người nhặt rác tự do, chị sẽ đăng ký đầu tiên và kêu gọi chị em cùng tham gia để làm việc chuyên nghiệp hơn, quả hơn, an toàn hơn. Theo chị Tuyết, đưa người nhặt rác tự do vào quản lý theo tổ chức sẽ giúp quản lý rác tốt hơn, tránh việc vô hình dung tiếp nguyên liệu cho các cơ sở, các làng nghề tái chế không đủ tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường.

z5228174094612_8e280a92a43d4a68f7046096cf99862d.jpg
Ông Phạm Cao Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội Urenco mong muốn có giải pháp quản lý đối với những người thu gom rác tự do, đảm bảo hoạt động thu gom chính quy hơn, những người thu gom rác được hưởng một số chế độ chính sách ổn định và được bảo trợ

Trước những tâm tư tình cảm của công nhân và những người gom rác tự do, ông Phạm Cao Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội Urenco cho biết: Mặc dù có những hoạt động xã hội vượt ngoài trách nhiệm nhưng Urenco vẫn triển khai với mong muốn giúp đỡ, khích lệ những người thu gom rác tự do làm việc, đồng hành với Urenco chung tay làm đẹp môi trường, thúc đẩy phân loại, tái chế rác, nâng tầm chất lượng môi trường và công tác quản lý môi trường.

Phó Tổng Giám đốc URENCO Phạm Cao Thắng mong muốn tới đây, người thu gom rác tự do được quản lý và làm việc theo luật pháp, được trang bị kiến thức, kỹ năng, được bảo trợ thân thể, nhất là được hưởng một phần lợi ích từ Quỹ bảo vệ môi trường khi thực hiện EPR. “Chúng ta sẽ phải chính quy hơn, đảm bảo hiệu quả và nhân văn hơn - đây cũng là một trong những mục tiêu mà Urenco đang theo đuổi” - Phó Tổng Giám đốc Phạm Cao Thắng nhấn mạnh./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý lực lượng thu gom rác tự do: Chính quy hơn, hiệu quả hơn và nhân văn hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO