Đấu giá khai thác, tránh thất thu
Kon Tum là tỉnh có địa hình đồi núi, nhiều sông, suối nhỏ, độ dốc lớn, tốc độ dòng chảy mạnh và khí hậu có hai mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Chính vì vậy, trữ lượng cát dưới lòng sông, suối khá nhiều, thường bồi lắng vào mùa mưa, sau các trận lũ lớn. Tình trạng khai thác cát trái phép cũng thường diễn ra vào thời gian này.
Do đó, để quản lý hiệu quả khoáng sản cát, sỏi trên địa bàn tỉnh, ngoài tăng cường kiểm tra, tiếp nhận phản ánh từ người dân để ngăn chặn kịp thời khai thác trái phép, tỉnh Kon Tum đã quy hoạch các mỏ có trữ lượng ổn định để đưa vào đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tăng thu ngân sách cho Nhà nước và tránh thất thoát tài nguyên.
Tính đến tháng 10/2021, toàn tỉnh có 72 điểm mỏ được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó có 43 mỏ cát. Huyện Đăk Tô là một trong những địa phương có số lượng mỏ khai thác cát lớn của tỉnh Kon Tum với 12 mỏ đã được cấp phép, tổng trữ lượng trên 200.000m3. Khu vực các mỏ cát được phép khai thác chủ yếu dưới lòng các con sông lớn chảy qua địa bàn như: Pô Kô, Đăk Tơ Kan, Tê Pen 2.
Kon Tum yêu cầu quá trình khai thác cát phải đảm bảo nằm trong phạm vi cho phép và không gây sạt lở bờ sông |
Theo bà Lê Thị Thu Thủy - Trưởng phòng TN&MT huyện Đăk Tô, để đáp ứng nhu cầu về cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường, Phòng TN&MT đã phối hợp với các ngành chức năng liên quan rà soát, kịp thời bổ sung các điểm mỏ có khả năng khai thác khoáng sản, đề xuất UBND tỉnh Kon Tum bổ sung vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản hàng năm theo quy định.
“Ngoài phối hợp cùng các cơ quan trên địa bàn huyện Đăk Tô tuyên truyền về thực hiện khai thác khoáng sản đúng quy định, hàng tuần; Phòng cử cán bộ chuyên môn phối hợp với chính quyền các xã, tiến hành kiểm tra các điểm mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn, tổng hợp báo cáo về Sở TN&MT theo quy định. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Đăk Tô không xảy ra tình trạng khai thác trái phép, tất cả các điểm mỏ đều khai thác đúng theo quy định”, bà Thủy cho hay.
Ông Võ Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở TN&MT Kon Tum cho biết, đối với việc cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông; Sở TN&MT đã có văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện nghiêm việc công khai giấy phép khai thác về thời gian và phương tiện khai thác đã đăng ký, phạm vi và công suất khai thác để người dân, địa phương giám sát. Các đơn vị chỉ được phép khai thác từ 7h - 17h trong ngày, không được hoạt động khai thác vào ban đêm.
Trong năm 2020, cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum đã phát hiện 8 cơ sở khai thác cát trái phép, xử phạt gần 120 triệu đồng. Tính riêng 10 tháng năm 2021, Sở TN&MT Kon Tum cũng đã phát hiện 9 trường hợp vi phạm, xử phạt 58 triệu đồng, thu hồi phương tiện, trang thiết bị và yêu cầu đơn vị vi phạm thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường.
Xử lý nghiêm vi phạm
Cũng theo ông Võ Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở TN&MT Kon Tum, trong quản lý khai thác ở các khu vực mỏ đã được cấp phép, việc phối hợp với chính quyền địa phương để kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác có vai trò đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, Sở TN&MT đã thường xuyên phối hợp với UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát và có kế hoạch kiểm tra đột xuất, nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu vi phạm để kịp thời chấn chỉnh và xử lý theo quy định.
Ngoài ra, để nắm bắt tình hình khai thác khoáng sản theo phản ánh thông tin từ người dân, UBND tỉnh Kon Tum đã thành lập Tổ công tác liên ngành tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh; đồng thời, ban hành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Tỉnh Kon Tum cũng quy định sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép.
Kon Tum yêu cầu các tổ chức, cá nhân công khai thông tin giấy phép khai thác để người dân, địa phương giám sát |
Liên quan đến công tác quản lý cát, sỏi trên địa bàn tỉnh; Sở TN&MT Kon Tum hiện đang phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện rà soát các khu vực mỏ cát, sỏi tại các địa phương để tham mưu UBND tỉnh Kon Tum xem xét, phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định trong hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi.
Ông Võ Thanh Hải cho hay, thời gian tới, Sở TN&MT Kon Tum sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát đối với các khu vực khai thác khoáng sản đã được cấp phép, không để xảy ra việc khai thác quá mức hoặc ra ngoài phạm vi cho phép.
Cùng với đó, Sở TN&MT Kon Tum cũng sẽ phối hợp với ngành chức năng, quản lý chặt hoạt động khai thác cát dưới lòng sông, tránh tình trạng sạt lở bờ sông, suối do khai thác khoáng sản; thực hiện chặt chẽ việc bảo vệ cát, sỏi dưới lòng sông chưa khai thác và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác cát trái phép.
Sở TN&MT Kon Tum đã lập Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đợt 2 năm 2021 trên địa bàn tỉnh Kon Tum với 11 điểm mỏ khoáng sản và trình UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt. Trong đó, có 4 mỏ cát với tổng diện tích 13,6ha, tổng trữ lượng 254.535m3. Thời gian dự kiến thực hiện đấu giá các điểm mỏ vào cuối tháng 12/2021.