Quản lý đê điều bằng khoa học công nghệ

27/08/2018 10:39

Biến đổi khí hậu làm xuất hiện ngày càng nhiều loại hình thiên tai có nguồn gốc thủy văn, gây áp lực lớn cho hệ thống công trình phòng, chống lũ, bão. Vì vậy, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều đang trở thành nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.

Là “thành phố trong sông”, Hà Nội có hệ thống đê điều lớn nhất so với 19 tỉnh, thành phố có đê. Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 626km đê được phân cấp; trong đó có gần 38km đê cấp đặc biệt, hơn 249km đê cấp I, hơn 45km đê cấp II, hơn 72km đê cấp III... Ngoài nhiệm vụ chống lũ từ thượng nguồn sông Đà, sông Hồng và lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình đổ về, phần lớn các tuyến đê của TP Hà Nội được sử dụng làm đường giao thông.

quản lý đê điều bằng khcn
Chống tràn tuyến đê tả Bùi (huyện Chương Mỹ) bằng phương pháp truyền thống.

Hiện TP Hà Nội giao Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội quản lý các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt; các quận, huyện, thị xã quản lý các tuyến đê còn lại. Để nâng cao hiệu quả quản lý các tuyến đê, những năm qua, Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong lập hồ sơ lý lịch đê điều bằng công nghệ số; sử dụng thiết bị hiện đại để “siêu âm” thân đê, đánh giá hiện trạng đê…

Tuy nhiên, đối với các quận, huyện, thị xã, việc quản lý đê hiện nay vẫn chủ yếu bằng phương pháp thủ công là lập hồ sơ lý lịch đê điều bằng sổ sách, sử dụng bản đồ giấy, tài liệu giấy, thu nhận thông tin chủ yếu qua điện thoại…

Ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã nghiên cứu và ứng dụng thành công các đề tài quản lý đê điều bằng hệ thống bản đồ số; theo dõi mực nước trên các tuyến sông có đê bằng thiết bị tự động... Việc tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý đê sẽ giúp cơ quan chuyên môn nắm bắt thông tin đầy đủ, kịp thời, tham mưu hiệu quả, nhất là khi thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo hộ đê.

Ngoài ra, Tổng cục Phòng, chống thiên tai sử dụng phương pháp điện đa cực, radar đất kết hợp với phương pháp đo nhiệt hồng ngoại để phát hiện các ẩn họa trong đê như: Hang rỗng, tổ mối, bất đồng nhất vật liệu, khe nứt, vùng thấm, đường bão hòa… mà không cần phá hủy kết cấu tuyến đê. Để chống tràn các tuyến đê, các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT đã nghiên cứu và ứng dụng thành công giải pháp sử dụng đê di động.

Với nguyên lý hoạt động: Dùng ống đê mềm có cấu tạo chống trượt, lật, bên trong bơm nước đặt trên mặt đê để chống tràn. Khi không sử dụng, tháo bỏ nước bên trong ống đê và cất vào kho bảo quản. Ưu điểm của giải pháp này là tính cơ động, có thể di chuyển nhanh và dễ dàng; tái sử dụng nhiều lần và dùng chính nguồn nước sẵn có nên tiết kiệm kinh tế; thời gian vận hành nhanh, xử lý trên chiều dài lớn, cho hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu chống lũ khẩn cấp. Đê di động thường được thiết kế có chiều cao 0,5m đến 1m hoặc lớn hơn tùy theo yêu cầu.

Theo ông Phạm Quang Đông, Trưởng phòng Quản lý đê (Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội), đơn vị đang đánh giá thực trạng và đề xuất UBND thành phố bố trí kinh phí ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo đảm an toàn, phù hợp với thực tế từng tuyến đê.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý đê điều bằng khoa học công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO