Quản lý chất thải rắn cần cơ chế cởi mở hơn

Tống Minh (lược ghi)| 29/10/2019 11:02

(TN&MT) - Muốn tạo đột phá trong quản lý chất thải rắn cần một chính sách cởi mở, minh bạch và hài hòa lợi ích hơn giữa Nhà nước - người dân và chủ đầu tư.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân tại buổi họp với lãnh đạo các Bộ, ngành và Tổng cục Môi trường mới đây. Chính từ chỉ đạo này, không ít các sáng kiến góp phần gợi mở chính sách nhằm tìm hướng xử lý dứt điểm chất thải rắn đô thị đã được đưa ra.

Ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường:

Cần Điều chỉnh chính sách bất cập trong quy hoạch và công nghệ

Trước đây, chúng ta nói chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng năm khoảng 23 - 25 triệu tấn/năm, thế nhưng, theo số liệu thống kê mới nhất đến tháng 9/2019 của Tổng cục Môi trường, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước là 22,3 triệu tấn, trung bình 61.000 tấn/ngày.

Chúng tôi đã rà soát, đánh giá lại công tác quản lý tại các địa phương. Về cơ cấu quản lý, hiện nay, việc quản lý rác thải sinh hoạt toàn quốc đang giao cho Bộ Xây dựng. Tuy vậy, ở cấp địa phương, việc quản lý này không thống nhất: 22 tỉnh giao Sở TN&MT là đầu mối, 33 tỉnh thành giao cho Sở Xây dựng và có 8 tỉnh thành cả Sở TN&MT và Sở Xây dựng cùng chịu trách nhiệm.

Ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường

Về quy hoạch, Trung ương có Chiến lược Quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ Xây dựng có quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia. Về phía địa phương, có 59/63 tỉnh thành đã có quy hoạch về chất thải rắn. Qua điều tra thực tế, có địa phương thực hiện tốt quy hoạch, nhưng có những địa phương dù đã có quy hoạch nhưng triển khai không nghiêm, khiến quy hoạch vị phá vỡ. Ví dụ, quy hoạch một nhà máy xử lý rác với khoảng cách đến khu dân cư là 500m, nhưng sau đó, khi thực thi lại không đảm bảo. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện xảy ra ở một số địa phương trong thời gian gần đây.

Về công nghệ xử lý, hiện, Việt Nam có đầy đủ các nhóm công nghệ, từ công nghệ truyền thống chôn lấp đến công nghệ hiện đại đốt rác tạo năng lượng. Thống kê chung toàn quốc, 71% rác được xử lý theo công nghệ chôn lấp, gồm cả chôn lấp hợp vệ sinh và chôn lấp không hợp vệ sinh. Đơn cử Hà Nội, có hơn 90% rác vẫn được chôn lấp, chỉ có 10% được đốt. Tại TP.HCM, 70% là chôn lấp, 30% rác đốt và xử lý bằng công nghệ khác. Các tỉnh khác cũng tương tự như vậy.

Để xử lý rác, hữu ích nhất là công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng. Thế nhưng, công nghệ này cũng có điều kiện, không phải bất kỳ tỉnh, thành phố nào cũng áp dụng được. Trước tiên, phải có nguồn rác đủ lớn. Hiện nay, các mô đun đốt rác phát điện chỉ áp dụng được với địa phương có nguồn rác tối thiểu từ 400 tấn/ngày đêm trở lên, doanh nghiệp mới có lợi nhuận. Tiếp đó, khoảng cách thu gom trên địa bàn không quá xa. Nếu quá xa, chi phí vận chuyển rất tốn kém.

Theo chúng tôi, với các đô thị lớn là TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, nên khuyến cáo chuyển sang loại hình đốt rác thu hồi năng lượng. Với các địa phương vùng sâu vùng xa, tỷ lệ rác phát sinh khoảng 200 - 300 tấn/ngày đêm nên dùng công nghệ khác.

Chúng tôi dự kiến, sau Hội nghị toàn quốc về chất thải rắn sắp tới, sẽ có khuyến nghị về danh mục công nghệ cho các địa phương áp dụng để xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Mô hình công nghệ khuyến cáo đưa ra sẽ dựa vào thực tế phân vùng, phân miền giữa các địa phương cũng như tình hình phát sinh thực tế rác có đủ lớn để áp dụng công nghệ, đảm bảo phù hợp với nguồn lực của địa phương.

Cơ sở của việc chuyển đổi công nghệ này là trong Chiến lược về quản lý chất thải rắn mà Thủ tướng đã phê duyệt và được điều chỉnh vào năm 2018 có đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ chôn lấp sẽ giảm xuống 30%. Theo số liệu thực tế, tỷ lệ chôn lấp hiện nay là 71%, như vậy, trong 5 năm nữa, 41% rác thải phải được xử lý theo công nghệ hiện đại.

Về nhận thức, đợt khảo sát vừa qua, chúng tôi thấy, nhận thức của người dân về hệ lụy gây từ rác đã được nâng lên rất nhiều. Chính điều này đang tạo áp lực cho  các cơ quan quản lý ở cả Trung ương và địa phương, nếu không có cách thức giải bài toán này rốt ráo và triệt để, chắc chắn, sắp tới đây, có những sự kiện nóng từ việc quản lý không tốt chất thải rắn sẽ tiếp tục diễn ra. Từ năm 2018, đã xuất hiện 76 điểm nóng liên quan đến rác. Từ đầu năm 2019 đến nay, có những khiếu kiện của người dân liên quan đến bãi rác hay nhà máy rác. Mới đây, ở Cầm Giàng, Hải Dương, dù đã cố gắng thuyết phục người dân xây dựng nhà máy đốt rác phát điện với công suất 300 tấn/ngày nhưng họ vẫn không đồng thuận. Đây chính là những tồn tại đang hiện hữu từ thực tiễn, có nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó, nguyên nhân chủ quan chính là do công tác chỉ đạo điều hành chưa thực thi tốt.

Từ thực tế đó, chúng tôi nhận thấy, phải có thiết kế quy hoạch đồng bộ, từ khâu lập quy hoạch, triển khai quy hoạch cho đến thu gom, vận chuyển, phân loại, xử lý. Hơn 10 năm trước đây, chúng ta đã triển khai phân loại rác tại nguồn nhưng thất bại, bởi công tác quy hoạch và triển khai không đồng bộ. Người dân phân loại xong nhưng tất cả lại dồn chung vào một xe rác đem đi chôn lấp, tức là không đồng bộ giữa công tác phân loại thu gom tại nguồn và công nghệ xử lý.

Ông Nguyễn Văn Vẻ - Phó Ban Tuyên Giáo, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam:

Quy hoạch xử lý rác phải gắn với thực tiễn cơ sở

 Qua giám sát, chúng tôi nhận thấy, thời gian qua, quy hoạch về bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều nơi thực hiện chưa tốt, dẫn đến quy hoạch nhà máy rác, bãi chôn lấp rác đều phức tạp, nhất là ở những địa phương quỹ đất còn ít mà dân cư đông. Mặt khác, liên quan đến quy hoạch, xây dựng hạ tầng đô thị với vấn đề xử lý rác. Tại các nhà chung cư chỉ có một ống rác, việc phân loại rác không thực hiện được. Điều này đặt ra vấn đề quy hoạch phải gắn với thực tiễn, sát với cơ sở mới huy động được người dân tham gia có hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Vẻ - Phó Ban Tuyên Giáo, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam

Về công nghệ xử lý rác thải, chúng tôi kiến nghị, Bộ TN&MT và Bộ KH&CN sớm có hướng dẫn về công nghệ xử lý rác thải cho các địa phương. Dựa trên điều kiện thực tế, chúng tôi đề xuất, các đô thị cần tiên phong áp dụng công nghệ đốt rác tạo năng lượng. Đề nghị tất cả cộng đồng dân cư có mô hình tự quản vận động người dân tham gia xử lý rác.

Bà Lê Thu Thủy - Phó Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Cục Hạ tầng, Bộ Xây dựng:

Sẽ ban hành tiêu chuẩn thiết kế hệ thống thu gom rác ở chung cư

Bộ Xây dựng đang rà soát để chuẩn hóa các tiêu chuẩn cho các nhà chung cư về hệ thống thu gom, phân loại rác. Cùng với đó, phương tiện thu gom cũng cần đồng bộ, bố trí các điểm trung chuyển để tiếp nhận rác đã được phân loại để xử lý.

Bà Lê Thu Thủy - Phó Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Cục Hạ tầng, Bộ Xây dựng

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đang làm tiêu chuẩn thiết kế cho các nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt thu hồi năng lượng. Việc tính toán về các hạng mục, quỹ đất, công trình kết hợp với công nghệ đảm bảo môi trường cũng là giải pháp để hoàn thiện hơn vấn đề xử lý rác hiện nay.

Ông Hoàng Vượng - Văn phòng Chính phủ:

Phải lấy được niềm tin của nhân dân về công nghệ xử lý

Có nỗi lo ngại lớn trong nhân dân về tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra, từ khâu vận chuyển, chôn lấp, xử lý nên người dân không đồng thuận. Bài toán của chúng ta hiện nay là có được niềm tin của nhân dân về công tác xử lý rác thải. Khi người dân tin rồi thì vận động, tuyên truyền người dân phải có trách nhiệm với rác thải của mình.

Ông Hoàng Vượng - Văn phòng Chính phủ

Nên chăng, chúng ta cần xây dựng chương trình thí điểm, có sự tham gia của các Bộ quan trọng như: Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, Bộ KH&CN để đưa ra được mô hình chứng minh cho người dân thấy và yên tâm về công tác xử lý rác thải.

Theo Môi trường
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý chất thải rắn cần cơ chế cởi mở hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO