4 nguyên nhân chính dẫn tới việc sốt ảo
Các địa phương bị ảnh hưởng do hiện tượng sốt đất ảo gồm: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Giang, Ninh Bình, Quảng Trị, Quảng Ninh, Bình Phước, Bình Thuận …
Theo các chuyên gia, hiện tượng giá đất tăng ảo do những nguyên nhân chính sau: Một số địa phương thực hiện quy hoạch mới hoặc có thay đổi về đơn vị hành chính như hệ thống sân bay, hệ thống giao thông hay việc chuyển đổi từ huyện thành quận… như: quận Thủ Đức, thành phố biển Cần Giờ, dự án tuyến cao tốc huyết mạch của TP. Hồ Chí Minh, quy hoạch thành phố Sông Hồng...). Đồng thời, có việc chuyển dịch nguồn vốn đầu tư của người dân vào bất động sản nhà ở, nghỉ dưỡng do kênh đầu tư gửi ngân hàng giảm lãi suất.
Với thành tựu chống Covid-19, Việt Nam đã tạo điểm đến an toàn, tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do dẫn tới có luồng dịch chuyển các nhà đầu tư quốc tế về Việt Nam. Trong khi đó, nguồn khu công nghiệp, khu chế xuất ở các địa phương chưa mở rộng được nhiều.
Cuối cùng là do hiện tượng đầu cơ về đất đai, “cò mồi” đất đai vì trục lợi bất chính đã gây nhiễu thông tin; đặc biệt là ở khu vực chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị, các siêu dự án hạ tầng giao thông lớn,... nhằm thổi giá đất lên cao kiếm lời.
Ảnh minh họa |
Đề xuất đánh thuế phù hợp
Trước thực trạng này, mới đây, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương kiểm soát việc tăng giá đất nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế phát triển của địa phương. Ngoài ra, các địa phương sẽ phải công khai thông tin quy hoạch, tiến độ dự án phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính...
Đối với việc quản lý thị trường giá đất, Bộ TN&MT vừa có Công văn số 1454/BTNMT-TCQLĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý về giá đất.
Trong đó, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở TN&MT và các Sở, ngành có liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai. Trên cơ sở này, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh bất động sản. Kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản bảo đảm hoạt động này tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Việc công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch phải được thực hiện để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin; tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính và có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
Bộ TN&MT đề nghị các cơ quan thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản. Quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa đất. Xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, pháp luật về kinh doanh bất động sản… thông tin kịp thời về quy hoạch của địa phương để người dân hiểu và thực hiện, tránh bị lợi dụng, trục lợi.
Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ trước ngày 31/5/2021.
Theo một số chuyên gia, về lâu dài, Chính phủ cần nghiên cứu điều chỉnh chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để tránh đầu cơ đất như đánh thuế cao vào người có nhiều bất động sản hoặc bất động sản bỏ hoang...
Đồng thời, giảm thuế, giãn thuế để hỗ trợ doanh nghiệp như sửa đổi quy định về thu tiền thuê đất theo hướng trong trường hợp bất khả kháng như dịch bệnh thì UBND cấp tỉnh có thể thay đổi hệ số thu tiền thuê đất cho các doanh nghiệp để góp phần giải quyết vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp sớm triển khai dự án bất động sản, cung cấp quỹ đất cho thị trường.
Ngoài ra, sớm đưa giao dịch bất động sản thực hiện theo hệ thống cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số để quản lý trên hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai.