Quản lý bền vững tài nguyên nước dưới đất tại Đồng bằng sông Cửu Long

Thu Trang| 19/10/2022 18:20

(TN&MT) - Ngày 19/10, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia (Bộ TN&MT) đã tổ chức hội thảo Lập kế hoạch hoạt động Dự án “Quản lý bền vững tài nguyên nước dưới đất, gắn với điều kiện địa chất - địa chất thủy văn tại Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực ven biển Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu”.

tgd-tong-ngoc-thanh.jpg
Ông Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo nhằm tăng cường năng lực về luật pháp, thể chế và kỹ thuật trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ tai biến địa chất, hướng tới việc đáp ứng mục tiêu quản lý nước dưới đất bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực ven biển Việt Nam.

Ông Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia cho biết: Tình trạng nước dưới đất đang dần cạn kiệt, tác động không nhỏ đến môi trường như tình trạng hạ thấp mực nước ngầm gây sụt lún đất, tình trạng nhiễm mặn xảy ra phổ biến do nhiều nguyên nhân khác nhau làm ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sinh hoạt của người dân. Trước tình hình đó, được sự đồng ý của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Liên bang về Hợp tác và Phát triển của CHLB Đức, Dự án “Quản lý bền vững tài nguyên nước dưới đất, gắn với điều kiện địa chất - địa chất thủy văn tại Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực ven biển Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu” đã được hai bên cùng nhau đề xuất.

Đây là Dự án phù hợp với tình hình thực tế và dự kiến sẽ đóng góp vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng. Các kết quả của Dự án sẽ hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước trên phương diện thông tin, các hướng dẫn và khả năng thực thi bảo vệ và quản lý nước dưới đất trong bối cảnh BĐKH và phát triển kinh tế xã hội; hỗ trợ thực thi các quy định về nước dưới đất, đánh giá địa chất thủy văn và dữ liệu quan trắc để có hiểu biết tốt hơn về tài nguyên nước dưới đát và chuyển biến kết quả vào các quá trình ra quyết định quản lý nước, bao gồm cấp nước sinh hoạt ứng phó với thiếu nước do hạn hán, xâm nhập mặn và giảm thiểu quá trình sụt lún mặt đất.

Ngoài ra, Dự án sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu các giải pháp thực tiễn liên quan đến việc sử dụng tài nguyên nước và tài nguyên địa chất liên quan phục vụ tài nguyên nước bền vững. Đồng thời, đóng góp trong việc triển khai Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tốt hơn.

Dự án sẽ do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia của Việt Nam phối hợp với Viện Liên bang về Khoa học Địa chất và Tài nguyên thiên nhiên (BGR) của CHLB Đức và Sở TN&MT của các tỉnh trong vùng hoạt động. Dự kiến dự án sẽ được thực hiện từ 10/2023 -12/2025.

Dự án được xây dựng dựa trên mục tiêu: cải thiện các điều kiện tiên quyết về luật pháp, thể chế và kỹ thuật để sử dụng tài nguyên NDĐ nhạy cảm với BĐKH và giảm nhẹ tai biến địa chất tại các tỉnh được lựa chọn được dự kiến sẽ phù hợp 1 cách trọn vẹn và thỏa đáng với những chủ đề và lĩnh vực ưu tiên đã đề cập ở trên của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức về cam kết hỗ trợ mới. Ngoài ra, dự án cũng sẽ đóng góp một phần cho việc triển khai thực hiện các chiến lược và chính sách quốc gia liên quan đến BĐKH như Chương trình Mục tiêu quốc gia về ứng phó với BĐKH và các kế hoạch hành động tương ứng.

Trên cơ sở các kết quả đã đạt được của các dự án “Tăng cường Bảo vệ NDĐ tại Việt Nam - Pha I, giai đoạn 1/2015 - 12/2017, Pha II - giai đoạn 2018 - 2022” và các dự án liên quan, các hoạt động trong dự án này được hai phía Việt Nam - Đức phác thảo, thống nhất dựa trên việc kế thừa, nối tiếp các kết quả, hoạt động của các dự án và phân tích, làm rõ các vấn đề cần giải quyết tại khu vực ven biển Đồng bằng song Cửu Long cũng như các khu vực ven biển khác ở Việt Nam.

toan-canh.jpg
Toàn cảnh Hôi thảo

Các hoạt động Dự án được thực hiện dựa trên bốn hợp phần chủ yếu gồm: Tăng cường năng lực về luật pháp, thể chế trong công tác điều tra, đánh giá và quản lý khai thác sử dụng nước dưới đất, tai biến địa chất thích ứng với biến đổi khí hậu; Xây dựng và triển khai các giải pháp điều tra, quản lý tài nguyên nước dưới đất, tai biến địa chất (sụt lún nền đất, xói lở) thích ứng với biến đổi khí hậu; Hỗ trợ chuyển đổi số trong công tác điều tra, quản lý tài nước dưới đất, tai biến địa chất thích ứng với biến đổi khí hậu và Tư vấn chính sách và kết nối.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng cần có những giải pháp thực tế trong lưu trữ và phục hổi tầng chứa nước, các phương pháp bổ cập tầng chứa nước có kiểm soát. Đối với mỗi nhiệm vụ, xác định các hoạt động, tiến trình và phương pháp tiếp cận địa điểm cụ thể. Đồng thời, cần có giải pháp thực tế liên quan đến sạt lở đát, xói mòn bờ sông.

Tiếp thu ý kiến, ông Tống Ngọc Thanh cho rằng, bên cạnh các hoạt động thực tiễn liên quan đến việc sử dụng tài nguyên nước và tài nguyên địa chất, giải pháp về công nghệ tiên tiến, công cuộc cải cách mạng chuyển đổi số cũng đóng vai trò quan trọng chúng ta cần hướng tới để hỗ trợ tài nguyên nước hiện nay.

Trong thời gian tới, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cũng mong rằng, với tinh thần làm việc tại hội, các chuyên gia Đức sẽ cùng Việt Nam tập trung trí tuệ, kinh nghiệm, thực tiễn xây dựng kế hoạch thiết thực. Đặc biệt, cùng xây dựng thoả thuận hợp tác để sớm trình Chính phủ Việt Nam phê chuẩn, để đại diện 2 bên ký kết thực hiện góp phần triển khai, xây dựng tài nguyên nước bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý bền vững tài nguyên nước dưới đất tại Đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO