Gánh trên vai “sứ mệnh” của một doanh nghiệp Nhà nước trụ cột là phải làm hạt nhân phát triển kinh tế các vùng, địa phương khó khăn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) luôn cân nhắc và ưu tiên trách nhiệm đầu tư các dự án làm hạt nhân kinh tế tại các địa phương nghèo.
Đơn cử như trước khi có NMLD Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi là một trong số các tỉnh có tiền thu ngân sách thấp nhất khu vực miền Trung. Khi có công trình dầu khí, tỉnh đã có hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế mỗi năm. Với “lưng vốn” ấy, tỉnh Quảng Ngãi đã có điều kiện để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi về điện - đường - trường - trạm cho người dân. Tiếp đến, dự án đã đưa về một nguồn nhân lực hàng đầu của ngành Dầu khí, hỗ trợ và đào tạo hàng ngàn kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề, tạo ra hàng loạt các doanh nghiệp dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ tại địa phương phục vụ NMLD Dung Quất.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã khẳng định trong một buổi làm việc với BSR vào tháng 4/2018: Tăng trưởng kinh tế tại Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả vượt bậc, cụ thể GDP của toàn tỉnh năm 2005 đạt 11,7% với nguồn thu ngân sách chỉ đạt 500 tỷ đồng nhưng đến năm 2016 tổng thu ngân sách của Quảng Ngãi đã đạt 22,66 nghìn tỷ đồng, trong đó thu từ NMLD Dung Quất chiếm hơn 90%. 20 năm qua, đóng góp của BSR cho sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ngãi là rất lớn. BSR đã giúp Quảng Ngãi chuyển mình từ một tỉnh thuần nông thành một tỉnh công nghiệp.
Hay như địa phương Cà Mau là một tỉnh ở cực Nam Tổ quốc, xa các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, việc hình thành Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đất U Minh anh hùng, tạo dấu ấn rất quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của Cà Mau phát triển. Riêng công trình Nhà máy Đạm Cà Mau với công suất 800.000 tấn/năm, hoàn thành và đi vào hoạt động đã tạo tiền đề phát triển các ngành công nghiệp của tỉnh, là một dự án lớn, quan trọng, tạo ra tính chủ động cung ứng phân bón trong sản xuất, xuất nhập khẩu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, cung cấp các sản phẩm phục vụ phát triển nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của cả nước. Công trình Dự án đường ống PM3 - Cà Mau với công suất thiết kế 2 tỷ m3 khí/năm, nhận khí từ giàn BR-B mỏ PM3 đến Cà Mau, từ khi đưa vào vận hành đến nay hoạt động an toàn, ổn định và đảm bảo nguồn khí cho hoạt động Nhà máy Đạm Cà Mau, Nhà máy Điện Cà Mau 1, 2 và Nhà máy Chế biến khí Cà Mau.
Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau đã biến một vùng thuần nông, người dân sống chủ yếu dựa vào “ưu đãi” của thiên nhiên, thì nay, trở thành một vùng nuôi trồng thủy sản trù phú, mỗi năm xuất khẩu hàng trăm triệu USD ra khắp thế giới. Nhà máy đạm Cà Mau cũng đã cung cấp cho người nông dân của cả tỉnh và các tỉnh lân cận lượng phân bón ổn định, chất lượng cao, đưa người nông dân Cà Mau thoát khó, làm giàu trên chính đồng ruộng của mình.
Trao đổi với phóng viên, ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi chia sẻ, Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đóng góp hằng năm gần 30% ngân sách cho Cà Mau, góp phần thay đổi diện mạo cho nền kinh tế của vùng. Công trình Dự án Nhà máy Điện Cà Mau 1 và 2 với công suất thiết kế 1.500 MW đi vào hoạt động luôn đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu cung cấp điện quốc gia, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng đất nước.
Gần đây nhất là dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đặt tại Thanh Hóa, với tổng vốn đầu tư lên tới 10 tỉ USD, tập trung hàng ngàn chuyên gia, kỹ sư trên khắp thế giới. Kể từ khi dự án được triển khai đã nhanh chóng làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội địa phương, đối với từng gia đình tại đây.
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, kể từ khi có chủ trương về phát triển khu công nghiệp Bắc Thanh Hóa - Nam Nghệ An, đặc biệt có sự đầu tư của ngành Dầu khí (dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn), không chỉ vùng Bắc Thanh Hóa mà Nam Nghệ An đã có sự thay đổi rõ rệt. Trước đây trong mùa giáp hạt, không năm nào tỉnh không phải cứu tế, đến nay toàn bộ vùng này đã trở nên rất sầm uất. Chính ngành Dầu khí đã đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế của vùng. Đây là sự khởi đầu cực kỳ quan trọng, làm thay đổi đời sống kinh tế - xã hội không chỉ một vùng, một tỉnh mà cả liên vùng, liên tỉnh.
Ông Mai Sỹ Diến - Phó trưởng Đoàn ĐB QH Thanh Hóa cho rằng, Khu Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn trong giai đoạn tới dự kiến sẽ đóng góp 13 nghìn tỷ đồng cho NS của tỉnh, giải quyết lực lượng lớn lao động địa phương, góp phần lớn vào việc đảm bảo an sinh xã hội cho tỉnh.
Ngành Dầu khí đã góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề xã hội của đất nước. Đó là đảm bảo được việc làm cho người lao động. Đi đôi với việc giải quyết việc làm là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bởi ngành Dầu khí đòi hỏi trình độ kỹ thuật rất cao, các doanh nghiệp muốn hợp tác, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ phải đáp ứng yêu cầu về khoa học công nghệ, sự chuyên nghiệp, nhanh nhạy và nhân lực trình độ cao.
Trách nhiệm xã hội của PVN cũng chính là vinh quang lớn nhất của người lao động Dầu khí. Cùng với nhiệm vụ xây dựng các nhà máy, triển khai các dự án công nghiệp, người lao động dầu khí luôn mang trên mình “sứ mệnh của ngành Dầu khí” đi đặt nền móng phát triển kinh tế cho những vùng đất còn nghèo khó, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế, xã hội của các địa phương nơi đây.